Hội thi tay nghề quốc gia năm 2012: Đi thi để học kỹ năng mới
Thứ bảy, 13/10/2012, 21:53 GMT+7
"Hội thi tay nghề quốc gia không chỉ tôn vinh tài năng làm nghề mà còn để các lao động trau dồi, cập nhật kiến thức mới, công nghệ mới...” - ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) khẳng định.
Ông Lân cho biết Hội thi tay nghề quốc gia là tiền đề để Việt Nam (VN) tiến tới Hội thi tay nghề ASEAN và Hội thi tay nghề thế giới. Hội thi lần này có 454 thí sinh đến từ 52 tỉnh, thành phố thuộc các trường, địa phương, bộ, ngành dự thi ở 21 nghề.
Học sinh khoa Cơ điện - Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao lập trình trên máy.
|
21 nghề thi lần này được lựa chọn theo những tiêu chí nào, thưa ông?
- Các nghề được chọn (trong đó có 3 nghề mới) dựa trên những tiêu chí cụ thể. Trước hết phải là những nghề phổ biến trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Thứ hai, phụ thuộc vào các nghề sẽ được tổ chức thi trong hội thi tay nghề ASEAN. Năm nay, ASEAN tổ chức thi 22 nghề. 22 nghề này phải được 10 nước ASEAN cùng lựa chọn và phải có 4 nước tham gia mới tổ chức thi. Vì đến năm 2015, các nước sẽ phải công nhận kỹ năng nghề của nhau. Vì vậy, những môn chúng ta chọn để thi sẽ là những môn được thi ở kỳ thi ASEAN và thế giới.
Qua 6 lần tổ chức kỳ thi tay nghề cấp quốc gia, ông đánh giá thế nào về trình độ tay nghề của lao động VN?
- Các doanh nghiệp không đánh giá thấp trình độ, tay nghề lao động VN. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì lao động VN cần phải bổ sung thêm nhiều kỹ năng nghề. Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) đang tập trung đánh giá một số kỹ năng nghề.
Theo ông, sau những lần thi tay nghề quốc gia, khu vực và thế giới, chúng ta học tập được gì?
- Đúng là chúng ta đã học được rất nhiều. Đó là tiếp cận được với nhiều vật liệu mới, hàng loạt các máy móc thiết bị phục vụ thực hành kỹ năng nghề. Hội thi là cuộc đua tài, ở đó những ngón nghề đều được trình diễn, chỉ có đi thi thì mới học được những kỹ năng mới ấy. Những chuyên gia và lao động của ta sau khi cập nhật được về đã ứng dụng ngay vào phục vụ sản xuất.
Có ý kiến cho rằng, lao động VN chưa thể vươn ra cuộc thi thế giới vì quá trình học nghề còn thiếu nhiều điều kiện, như máy móc kém hiện đại. Thực tế ra sao, thưa ông?
- Nếu không có máy móc thì học đã khó nói gì đến việc tổ chức thi tay nghề quốc gia. Hiện nay, Chính phủ rất quan tâm tới việc học, dạy nghề tạo việc làm cho người dân và sẵn sàng bỏ tiền đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ cho việc học và luyện thi. Chúng ta có kém hơn chỉ là sự chậm trễ trong quá trình cập nhật thông tin về các nghề mới.
Ông Dương Đức Lân
Như vậy, dạy và học nghề của chúng ta hiện nay đang đi đúng hướng?
- Việc dạy, học nghề hiện nay ở nước ta ngày càng tiếp cận theo hướng nhu cầu (cần gì dạy đó). Chúng ta đã áp dụng những công nghệ hiện đại, những chương trình, giáo trình tiêu chuẩn nghề, áp dụng công nghệ phân tích nghề Đa Cum của Mỹ và Canada. Đây là công nghệ tiên tiến nhất để làm các tiêu chuẩn kỹ năng nghề cũng như chương trình, giáo trình. Chúng tôi cũng kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp để dạy nghề đáp ứng được các kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp đòi hỏi. Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, tạo đầu ra cho học viên, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của học nghề. Thông qua những hội thi tay nghề, các em thay vì quyết thi cho bằng được đại học có thể lựa chọn học nghề.