Hiện nay, hầu hết các địa phương ở ĐBSCL đều có từ 1 đến vài Cty may. Tuy nhiên, không phải LĐ nào cũng có điều kiện đi làm CN tại các DN hoặc ở TPHCM, nhất là LĐ ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Vài năm gần đây, tại các địa bàn xa xôi này, các cơ sở may quy mô nhỏ ra đời, may gia công cho các Cty đã tạo việc làm cho số LĐ do hoàn cảnh gia đình không thể đi làm việc xa nhà…
 |
May gia công (theo từng công đoạn) cho các cơ sở may ở địa bàn nông thôn. |
Ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre) hiện có 4 cơ sở may gia công tại 3 xã An Điền, Thạnh Phong, Thới Thạnh với quy mô từ 20 - 50 máy/cơ sở, tạo việc làm cho gần 200 LĐ (hầu hết là nữ). Cơ sở may Bảo Trân (xã An Điền) may gia công cho một DN may ở TPHCM, hiện có 30 CN với mức thu nhập từ 2 - 2,8 triệu đồng/tháng.
Có chút vốn liếng muốn đầu tư làm ăn, lại thấy tại địa phương còn nhiều LĐ chưa có việc làm ổn định, khi biết các Cty may có nhu cầu giao hàng cho các cơ sở may quy mô nhỏ may gia công, ông Võ Văn Tiền quyết định đầu tư mở cơ sở may Bảo Trân. Ở xã Thạnh Phong, cơ sở may gia công Hai Truyện được thành lập do một DN may hỗ trợ vốn đầu tư theo phương thức trả dần.
Cơ sở hiện có 20 máy, thu hút LĐ chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo vào làm CN. Mới hoạt động vài tháng, thu nhập của CN tại đây hiện còn hơi thấp (từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, đây cũng là nguồn thu nhập đáng kể của LĐ hộ nghèo, hộ cận nghèo trước đó không có nghề gì trong tay hoặc chưa biết nghề may công nghiệp.
Còn tại An Giang, xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân) cũng là địa bàn có khá nhiều cơ sở may gia công quy mô lớn nhỏ khác nhau. Thoạt đầu, đây chỉ là những hộ gia đình may quần áo bán sang thị trường Campuchia. Khi nhu cầu tăng, một số người quyết định đầu tư mở cơ sở may.
Bình quân mỗi cơ sở tạo việc làm cho 50 - 70 LĐ với thu nhập từ 1 - 2,3 triệu đồng/tháng. Khác với các cơ sở may ở Bến Tre (gia công sản phẩm cho các DN may), các cơ sở may tại Phú Hiệp (An Giang) sản xuất sản phẩm (chủ yếu quần áo em trẻ em, đồ bộ của phụ nữ) cung ứng cho thị trường Campuchia. Các cơ sở giao nguyên liệu cho các hộ dân may gia công theo phương thức mỗi hộ đảm nhận một công đoạn (cắt, ráp...).
Nhìn chung, tuy thu nhập chưa cao, song các cơ sở may ở vùng nông thôn xa tại ĐBSCL đã tạo việc làm khá ổn định cho LĐ (hầu hết hộ nghèo - cận nghèo) không có điều kiện đi làm việc xa nhà. Ở các xã có cơ sở may gia công tại Bến Tre, có những LĐ từng là CN may ở TPHCM với mức thu nhập cao hơn (khoảng 3 triệu đồng/tháng) trở về.
Nhiều nữ CN cho biết, làm CN tại các cơ sở may ngay tại địa phương không phải tốn tiền thuê nhà trọ, ăn cùng gia đình, lại có điều kiện chăm lo việc gia đình tuy mức thu nhập có thấp hơn.
Lê Như Giang