81% lao động chưa được an sinh xã hội bảo vệ
Chủ nhật, 03/06/2012, 10:04 GMT+7
Chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Carlos Galian trao đổi với phóng viên trước thềm Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam - sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 6.12 với chủ đề “Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và giảm nghèo”.
![]() |
Việt Nam cần cải cách hệ thống Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo mức lương hưu phù hợp và đảm bảo có một hệ thống tài chính ổn định. (Ảnh minh họa). |
- Gần đây, Liên Hợp Quốc đã lưu ý Việt Nam về việc gia tăng tuổi thọ trung bình. Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào với chính sách an sinh xã hội của Việt Nam?
- Tại Việt Nam, theo báo cáo về phát triển con người của Liên Hợp Quốc, tuổi thọ trung bình tăng từ 65,4 tuổi vào năm 1990 lên 74,9 tuổi vào năm 2010 và theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tuổi thọ trung bình ước tính sẽ tăng thêm 0,1 tuổi mỗi năm. Số người ở độ tuổi trên 65 chiếm hơn 6% dân số năm 2009. Đến năm 2029, tỉ lệ này có thể sẽ lên đến hơn 10%. Cũng giống như các nước đang phát triển khác, Việt Nam còn tương đối ít thời gian để có thể đảm bảo việc xây dựng hệ thống thu nhập cho người nghỉ hưu hoạt động hiệu quả.
- Vậy đâu là những vấn đề Việt Nam cần giải quyết?
- Thứ nhất, Việt Nam cần giảm dần mức tuổi chuẩn nhận trợ cấp đối với người cao tuổi (hiện tại mức tuổi chuẩn để nhận trợ cấp là 80 tuổi và mức trợ cấp là 180.000 đồng mỗi tháng). Nếu có thể đến năm 2020, Việt Nam nên giảm tuổi hưởng trợ cấp xuống 65 tuổi. Với giải pháp này, Chính phủ có thể đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho người cao tuổi, đảm bảo không có người cao tuổi nào tại Việt Nam phải sống dưới mức nghèo, đặc biệt là đối với những người lao động ở khu vực không chính thức.
Thứ hai, Việt Nam cần cải cách hệ thống Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo mức lương hưu phù hợp và đảm bảo có một hệ thống tài chính ổn định.
Thứ ba, Việt Nam cần khuyến khích đẩy nhanh việc chính thức hoá sự tham gia hoạt động kinh tế của người dân trước khi trở thành một xã hội già hoá với tỉ lệ cao dân số phải sống phụ thuộc.
So với mức độ phát triển của mình thì hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam nhìn chung tương đối mạnh vì đảm bảo được hệ thống an sinh xã hội cơ bản như chế độ thai sản, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động... Nhưng hệ thống bảo hiểm xã hội mới chỉ bảo vệ được 19% lực lượng lao động. Phần lớn người lao động không được bảo vệ thông qua hệ thống này.
Theo một vài nghiên cứu thì tỉ lệ đóng góp cho bảo hiểm xã hội so với mức lương thực tế rất thấp do sự thoả thuận giữa người lao động và sử dụng lao động. Nếu không giải quyết được việc này thì tiền lương hưu sẽ không có khả năng bảo vệ người cao tuổi; từ đó làm gia tăng khoảng cách xã hội và làm gia tăng nguy cơ cao của người lao động trước những cú sốc như khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp...
- Liệu có đúng không khi các chính phủ - nhất là ở các nước đang phát triển - viện dẫn tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn để trì hoãn những nỗ lực giải quyết các thách thức của hệ thống an sinh xã hội?
- Trên thực tế, chúng tôi cho rằng những chương trình an sinh xã hội được thiết kế tốt, đặc biệt là dưới hình thức các chương trình bảo hiểm xã hội và trợ cấp hưu đối với người cao tuổi không phải là vật cản đối với sự phát triển kinh tế. Ngược lại, điều đó còn đem lại hiệu quả cao trong việc ngăn chặn đói nghèo và bất ổn xã hội trong vòng đời của mỗi con người và đóng góp vai trò thiết yếu trong việc ổn định kinh tế.
Các cuộc khủng hoảng xảy ra gần đây cho thấy ý nghĩa quan trọng của an sinh xã hội đối với các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Về chi phí, một gói an sinh xã hội cơ bản có thể khả thi tại hầu hết các nước trên thế giới và chi phí của nó - nếu được tính toán một cách hợp lý - cũng chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ trong GDP.
- Xin cảm ơn ông!
Giang Vũ thực hiện