Nghề “tự do”
Thứ hai, 01/10/2012, 15:47 GMT+7
Hưởng ứng tinh thần lao động và hưởng thụ của số này, NAM giới thiệu với bạn đọc bài viết về nghề “tự do”. Bài báo kể lại những lựa chọn, trải nghiệm và đúc kết của nhà báo tự do Trương Thị - cộng tác viên thường xuyên của tạp chí NAM.
Ngày hôm nay, vào lúc10h sáng, tôi đang co một chân lên ghế trong chiếc quần rộng lùng thùng vào áo thun ba lỗ, trước mặt là màn hình máy tính - cũng ở nhà - để viết bài cho tạp chí NAM. Tôi đã viết tổng cộng bảy bài báo trong tháng này, đủ để chi trả tiền thuê nhà và các chi phí sinh hoạt khác. Vào tuần trước, tôi cũng vừa mới được nhận vào vị trí điều phối viên nghệ thuật cho một dự án của tổ chức nước ngoài về phòng chống buôn bán người. Dự án này sẽ kéo dài ba tháng. Tôi và một số người bạn cũng đang theo đuổi ý tưởng về một chương trình truyền hình mới…Tôi là một freelancer trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và văn hóa nghệ thuật.
Nhật ký freelancer
Tôi tình nguyện gia nhập đội quân “lao động tự do” vào một ngày đáng nhớ, ngày 15 tháng 1 năm 2009.
Ngày….
Mình chán mình lắm rồi. Mình chán việc giả vờ chăm chú vào chiếc máy tính, mặt mũi tỏ vẻ đăm chiêu trong giờ làm việc chỉ để giấu diếm sự chán nản. Từ lâu mình đã cảm thấy mình không còn hứng thú với tình cảnh hiện tại nữa rồi. Tinh thần của mình đang có chiều hướng đi xuống vì từ nhiều tháng nay, mình không học thêm được điều gì mới mẻ. Mình tự ghét bản thân mình vì thiếu động lực, vì đã giả vờ.
Thật kinh khủng khi không yêu được bản thân.Phải chấm dứt tình trạng này thôi.
Ngày….
Hôm nay mình đã nộp đơn xin nghỉ việc. Lá đơn xin nghỉ việc được soạn trong vòng 15 phút, mình bấm nút “print”, ký tên ở dưới rồi đặt lên bàn sếp khi trời đã về chiều, đủ u ám cho cảm giác chia tay.
Tối nay, đường phố vắng vẻ và mông lung thế nào ấy.
Ngày…
7h30 sáng, thức dậy, phát hiện ra mình không phải đến tòa soạn vào lúc 9h. Mình nằm im, mắt mở chong chong nhìn lên trần nhà, có tiếng chim hót líu lo ngoài cửa sổ như thúc giục. Nghĩ đến khoản tiền tiết kiệm chỉ đủ chi tiêu cho ba tháng tới…Thấy hơi lo. Mình thấy mình đơn độc.
Mẹ mình gọi điện, mẹ lo lắm. Mẹ lo mình lâm vào cảnh thất nghiệp, hết tiền, cạn kiệt những mối quan hệ! Mẹ lo mình cô độc, túng quẫn! Hừm. Không bao giờ!!!. Mẹ ạ, con không bao giờ tự cho phép mình rơi vào cảnh đó! Con rời bỏ nơi làm việc cũ là để được hạnh phúc, năng động, được là mình nhiều hơn, được mở rộng bản thân mình hơn trước.
Ngày…
Vừa được nhận vào làm một dự án truyền thông cho một tổ chức nước ngoài. Làm việc 10 ngày đủ ăn cả tháng. Vậy là khỏi lo thiếu tiền thuê nhà. Nhưng còn tháng sau tính sao đây? Tốt nhất là dành ra một khoản. Nhỡ đâu…
Ngày…
Lại thêm một công việc nữa đến dồn dập. Lần này là hợp đồng sáu tháng – với nhiệm vụ thực hiện một chiến dịch truyền thông. Mình còn đang phải làm phiên dịch và phỏng vấn viên cho một nhà nghiên cứu lịch sử, mình cũng đã nhận cộng tác dài hạn với một tờ tạp chí… Thôi chịu khó mất ăn mất ngủ sáu tháng. Làm xong sẽ tự thưởng cho mình chuyến đi Cambodia một tháng.
Ngày…
Nhận được thư mời tham gia phỏng vấn tuyển dụng của hãng viễn thông B, vị trí Giám đốc Truyền thông. Chức này to đấy, lương cũng khá. Mình thấy cũng hấp dẫn nên đã đi phỏng vấn thử, thế rồi lọt vào vòng cuối cùng. Mình thấy áy náy quá. Sau khi suy nghĩ một đêm, mình đã nói thật với vị Giám đốc Nhân sự là mình thích viết báo, thích đi lại, thích làm việc kiểu dự án hơn…Vị Giám đốc gật đầu. Và mình lại tự do!!
Freelance là gì?
Đã hơn ba năm nay, tôi làm việc độc lập trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, tư vấn trong lĩnh vực phát triển văn hóa nghệ thuật, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hài lòng với một định nghĩa nào về trạng thái freelance. Tôi đành tự mình “tóm gọn” như sau:
Theo Wikipedia, một người làm nghề tự do, hay công việc freelance, có nghĩa là người đó tự làm việc cho mình, không cam kết lâu dài với bất kỳ một nhà tuyển dụng nào.
Theo như tôi quan sát, thì trạng thái làm việc này cũng có thể được hiểu như:
Người làm thuê độc lập – làm việc cho mỗi công ty/tổ chức trong từng dự án nhất định (có thời điểm bắt đầu và kết thúc); có thể làm cho nhiều công ty/tổ chức khác nhau trong cùng một thời điểm.
Self-employed – tức là tự mình thuê mình làm việc và có thu nhập từ một công việc buôn bán hoặc kinh doanh của bản thân. Việc buôn bán, kinh doanh này có thể được thực hiện bởi một mình mình (vừa làm sếp, vừa làm nhân viên marketing, bán hàng, kế toán v.vv…) hoặc với một nhóm người dưới mô hình công ty riêng do bản thân mình sáng lập và lãnh đạo. Đây là những freelancer mà tôi hết sức tôn trọng, vì họ biết tạo cảm hứng và trao cơ hội cho những người khác.
Ví dụ cho những lĩnh vực thường thấy xuất hiện các “freelancer” là âm nhạc, báo chí, xuất bản, viết kịch bản, diễn viên, tạo mùi hương, biên tập sách báo và các ấn phẩm khác, tổ chức sự kiện, quản lý sự kiện, ngành quảng cáo, viết phần mềm máy tính, thiết kế đồ họa, vẽ minh họa, viết sách, nghề PR, công nghệ thông tinphát triển website, tư vấn, hướng dẫn du lịch, biên tập video, sản xuất video, phiên dịch, bán hàng trên mạng v.v…
Những bài học của nghề freelance mà tôi tự dạy mình
Vượt qua bệnh lười: Ngày nào tôi cũng ôn lại khẩu hiệu: Lười – là chết đói! Tôi sẽ không có lương hưu, nếu không biết kiếm tiền và tự để dành. Lười – là chết đói khi về già (quả là nhục nhã!). Cũng không thể ăn bám bố mẹ hay dựa dẫm vào ai khác được. Bố mẹ ngày càng già đi, sẽ đến lúc bố mẹ cần được tôi chăm sóc.
“Tiếp thị” bản thân: Có nghĩa là phải biết trình bày rõ ràng, dễ hiểu, thuyết phục và nhiệt huyết về công việc mình làm. Bài học này tôi học từ bạn bè tôi là những nhiếp ảnh gia – những freelancer đầu tiên mà tôi biết. Khoảng những năm 2004-2005, tôi gặp họ khi họ tổ chức ra mắt một website ảnh báo chí phong cách hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Tôi bị ấn tượng bởi sự tự tin vào bản thân và sự hứng khởi chia sẻ với người khác về lối đi mới của mình từ họ. Giới truyền thông bắt đầu chú ý đến họ qua các website và blog. Các mối quan hệ dần được thiết lập. Các tin ảnh, phóng sự ảnh có phong cách hiện đại bắt đầu xuất hiện trên các tờ báo và tạp chí lớn. Những tên tuổi như Na Sơn, Hải Thanh, Maika, Jundat trở nên nóng hổi trong lĩnh vực ảnh thời trang, ảnh báo chí…
Làm quen với thực tế “bị từ chối”: Từ bỏ công việc thường xuyên trong một tòa soạn ổn định, tôi phải làm quen với ý nghĩ rằng mình bắt đầu tham gia thị trường tự do với nhiều lựa chọn. Và khi càng muốn làm nhiều việc, khả năng bị từ chối càng tăng. Có lúc tôi đã thỏa thuận xong mức lương, đã dành ra một khoảng thời gian trống cho một dự án về phim tài liệu cho nước ngoài, nhưng rồi vào phút chót, đối tác không thể thuê tôi làm việc vì một lý do bất khả kháng. Cũng có lúc, thư xin việc (cho một dự án của Tây Ban Nha) của tôi bị vứt vào sọt rác vì một lý do hết sức quan liêu…Những “sự cố” ấy nhắc nhở cho tôi về cuộc sống thật không hề dịu dàng như trong vòng tay mẹ. Biết chấp nhận thực tế là một kỹ năng tồn tại quan trọng. Tôi tặc lưỡi và dấn bước. Đôi khi tự thưởng mình một buổi chiều thư giãn cạnh bể bơi để cổ vũ mình tiến lên “chiến đấu”tiếp.
Các mối quan hệ và sự hiểu biết lẫn nhau
Phía bên kia của thất bại là thành công: Những công việc thú vị mà tôi nhận được, thường là do những mối quan hệ lâu dài và thân thiết đem tới. Khi tôi đã gây dựng được sự