Thị trường lao động

Bí quyết giữ thăng bằng khi bị cách chức

Thứ tư, 28/11/2012, 23:46 GMT+7



Bị cách chức là điều không ai mong muốn, thế nhưng nếu chẳng may rơi vào tình cảnh này, bạn cần biết cách giữ thăng bằng để không bị mất phương hướng. Dưới đây là “cẩm nang” dành cho bạn:

Bí quyết giữ thăng bằng khi bị cách chức
Tỉnh táo và bình tĩnh

Buồn chán và thất vọng khi bị cách chức là điều khó tránh khỏi, bạn có thể khóc để cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Bạn cũng có thể chia sẻ với ai đó cảm xúc của bạn, hoặc tham gia những thú tiêu khiển để giải sầu.

Tuy nhiên, cần nhận ra đây là thực tế mà bạn cần phải đối mặt và chấp nhận, hãy chế ngự cảm xúc của mình để không gây ra hành động thiếu suy nghĩ, dại dột. Hãy coi đây là một “tai nạn” và hi vọng tương lai tốt đẹp hơn, nhất định “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Tìm hiểu nguyên nhân

Bạn cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao bạn gặp phải cơ sự này, đó là vì bạn không hoàn thành nhiệm vụ, bạn đã mắc lỗi hay do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hoặc công ty bạn đang thay đổi bộ máy nhân sự mới… Nếu bạn không thật sự lý giải được, đừng ngần ngại nói chuyện với cấp trên, họ sẽ cho bạn câu trả lời rõ ràng và chính xác nhất rằng vì sao bạn bị cách chức. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và cố gắng hơn trên con đường sự nghiệp của mình.

Xây dựng những kỹ năng mới

Kỹ năng làm việc là điều rất quan trọng mà không phải trong một thời gian ngắn bạn có thể đạt được. Kỹ năng ở đây bao gồm cả kỹ năng chuyên môn và kỹ năng quản lý. Để trở thành một nhà quản lý giỏi, bạn cần biết cách xây dựng cả hai kỹ năng này.

Nếu bạn là người có chuyên môn vững vàng nhưng lại yếu kém trong khâu quản lý nhân viên cấp dưới, bạn sẽ có ít cơ hội thăng tiến, hoặc thậm chí sẽ bị thay thế. Do đó, hãy tìm cách tích lũy thêm cho mình những kỹ năng quản lý bằng cách tham gia các khóa học, tham khảo sách, báo, mạng Internet hay các bậc tiền bối...

Không nên bảo thủ

Nếu bạn mắc lỗi trong công việc khiến dự án không thể hoàn thành, hoặc năng lực của bạn không đủ để đảm nhận dự án ấy, hãy thẳng thắn thừa nhận. Thật sai lầm nếu bạn bằng mọi cách, mọi lý lẽ để bảo vệ cho những sai lầm của mình, điều này sẽ biến bạn trở thành con người bảo thủ, trì trệ.

Không tỏ thái độ tiêu cực

Trên thực tế, khi bị mất chức không ít người thường tỏ ra rất bất mãn và không tâm phục khẩu phục. Đây là lối hành xử sai lầm, tiêu cực mà bạn nên tránh, vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của bạn, và con đường thăng tiến trở lại của bạn sẽ càng ngày càng xa vời, chông gai hơn.

Thay vào đó, hãy cho mọi người xung quanh bạn - đồng nghiệp và sếp, thấy rằng bạn là một người cứng rắn, bản lĩnh và sẵn sàng chấp nhận thực tế. Hãy học cách mỉm cười trước mọi khó khăn, nó sẽ dẫn đường cho bạn đến những thành công mới trong cuộc sống cũng như trong công việc.

Đặt mục tiêu mới

Nản chí, trì trệ trong công việc sẽ càng khiến bạn "mất điểm" trong mắt sếp và đồng nghiệp, thậm chí bạn sẽ không thể trụ lại vị trí hiện tại và có nguy cơ bị sa thải. Tốt nhất hãy bắt đầu đặt ra những mục tiêu làm việc mới, xác định xem đích đến gần nhất của bạn hiện nay là gì và bạn phải làm gì để đạt đến điều đó.

Tìm công việc mới nếu có thể

Nếu bạn bị cách chức không phải do lỗi của bạn mà là vì bạn bị ghen ghét, đố kỵ trong công việc, hoặc do bạn không biết cách “ăn rơ” với sếp hoặc bạn là người quá ngay thẳng trong công việc... bạn có thể nghĩ đến việc tìm một công việc mới, một môi trường làm việc lành mạnh; ở đó bạn sẽ có những sự cạnh tranh chính đáng, minh bạch và có cơ hội phát triển hết khả năng của mình. Tuy nhiên đây là bước chuyển lớn, vì thế bạn cần suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra quyết định.

Theo TTO


Người viết : admin
 In bài viết  Gửi cho bạn bè Lưu tin Lên đầu trang

Viết đánh giá




 Ẩn email của tôi
Bộ gõ : Off Telex VNI
Mã bảo vệ :  

Đang thảo luận trên diễn đàn