Thị trường lao động

Teen trắng tay vì bạn mồi chài bán hàng đa cấp

Chủ nhật, 23/09/2012, 00:31 GMT+7

Sẽ là một bài học nhớ đời dành cho những teen đang có suy nghĩ “tìm việc làm nhẹ nhàng với mức lương trong mơ” đấy!

Việc nhàn, lương cao và… “vào tròng”

Đây là tâm lí chung của nhiều bạn 9X hiện nay, chính vì vậy nhiều công ty bán hàng đa cấp đã nắm bắt được điều này và “đua nhau” PR về dịch vụ và mức lợi nhuận để thu hút nhân lực. Nguy hiểm hơn, nhiều nhân viên của các công ty này chính là học sinh, sinh viên mới chân ướt, chân ráo lên thành phố. Sau khi nghe những lời lẽ “kẹo ngọt”, các bạn đã sẵn sàng dồn hết tiền để có một chân trong đội ngũ bán hàng.

Trên mạng “dân tình” đang kêu than về một công ty bán hàng đa cấp lừa đảo có tên T.N.M.U

H.T (sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội) là một trong nhiều trường hợp bị đưa “vào tròng” bởi hệ thống bán hàng đa cấp T.N. Sau một thời gian, T nhận ra mình đã bị lừa và để lấy lại số tiền đã mất cô bạn chỉ còn cách tiếp thị sản phẩm cho bạn bè, người thân, rủ rê họ tham gia cùng mình bằng mọi cách (cầm cố điện thoại, laptop, máy ảnh,… - tất cả những thứ có giá trị).

Bằng uy tín và mức độ quen biết, không quá khó để H.T thực hiện được nhiều “phi vụ”. Và cứ thế danh sách những người bị T lừa ngày một dài ra.

Còn T.H.H (nhà ở Hải Phòng) thì bị thu hút bởi cách thức làm giàu của cô bạn thân và một số đối tượng (là nhân viên công ty bán hàng T.N) giới thiệu. Sau khi nghe mọi người thuyết phục về mức độ “giàu có” khi làm ở đây, H. đã quyết định tham gia. Tuy nhiên, cô bạn phải chi hơn 3 triệu đồng để mua sản phẩm là một máy khử độc bằng ozon để làm “phí hội viên” (trong khi máy này ở ngoài bán có hơn 1 triệu) và cuối cùng thì “ngậm bồ hòn” vì biết mình bị lừa. Vì quá tin bạn, H. đành im lặng và tự an ủi: “Máy đấy dùng cũng khá ổn!”.

Nếu BFF liên tục thuyết phục bạn mua hàng của một công ty thì hãy cân nhắc thật kĩ nhé!

Câu chuyện của N.D (Nam Định) lại mang một “tâm sự” hoàn toàn khác. D đã tự liên hệ với công ty tuyển dụng theo địa chỉ trong một tờ rơi. Nhưng nhiều lần phải đi đi, về về và mất gần 1 triệu tiền phí linh tinh (áo đồng phục, bảo hiểm…), D vẫn không được giao việc. Anh chàng đã rất bức xúc và đôi co với người quản lí, và câu trả lời được chốt lại: “Ngu thì chịu chứ kêu la gì?”.

Người trong cuộc nói gì?

Bạn Huân (Lạng Sơn) kể lại: “Sau khi được một người bạn khá thân giới thiệu về công ty T.N trên đường Định Công (gần bến xe Giáp Bát – PV) nghe rất bùi tai, mình quyết định lên trên đấy tìm hiểu công việc. Để trở thành nhân viên, người ta bảo mình phải mua máy khử mùi giá hơn 4 triệu. Mình là sinh viên làm gì có nhiều tiền như vậy chứ, phải đi vay mượn nhiều chỗ nhưng cuối cùng mang nợ nhưng chẳng thấy "lời" từ công việc đâu cả…”.

Còn rất nhiều công việc làm thêm khác bổ ích mà thu nhập "rất ổn" đấy! (Ảnh minh họa)

Còn cậu bạn Đ.H (sinh viên một trường báo chí tại Hà Nội) thì chia sẻ: “Muốn vào công ty, mình phải giao nộp chứng minh thư và rồi thì coi như bị phụ thuộc. Nếu không có tiền, họ bảo mình đi bán đồ lung tung để mua hàng. Vào trong đấy sợ gần chết!”.

N.T.K – một nạn nhân chia sẻ: “Công ty bán hàng đa cấp kia có mỗi một kiểu tổ chức, lôi kéo và PR. Đó là dẫn đi xem thuyết trình, lăng-xê về mức lương của thủ trưởng cho sinh viên hoa mắt rồi dụ dỗ, ép buộc cầm cố thứ gì có giá trị để giao cho họ. Gọi là công ty nhưng nó chỉ có mỗi cái biển cũ rích và không gian chật hẹp, u ám”.

Cả Huân, Đ.H và N.T.K đều bị những người bạn thân của mình lôi kéo.

Tạm kết

Tìm một công việc nhẹ nhàng, hợp sức mình để “cá kiếm” trong thời gian rảnh rỗi là ý tưởng hay. Tuy nhiên, các bạn cần tìm hiểu thật kĩ thông tin công việc mà mình dự định sẽ làm để không bị lừa và “mắc bẫy” các công ty bán hàng đa cấp. Để tránh tiền mất, tật mang tốt nhất bạn vẫn nên “kĩ càng” một tí đúng không nào?

Theo Tiin Tài teen/Đất Việt


Người viết : admin
 In bài viết  Gửi cho bạn bè Lưu tin Lên đầu trang

Viết đánh giá




 Ẩn email của tôi
Bộ gõ : Off Telex VNI
Mã bảo vệ :  

Đang thảo luận trên diễn đàn