Làng nghề: Nhỏ lẻ và ô nhiễm
Chủ nhật, 17/06/2012, 15:33 GMT+7
Tuy thu hút được lực lượng không nhỏ lao động nhưng các làng nghề vẫn chỉ theo hướng nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, vấn nạn ô nhiễm đang đe dọa khắp các làng nghề.
Theo thống kê, hiện tại cả nước có khoảng 300 làng nghề, thu hút 4 triệu lao động với thu nhập chừng 1- 3 triệu đồng/ tháng. Các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm.
Sản phẩm làng nghề chủ yếu với 11 nhóm nghề chính như sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá... trải dài từ Bắc vào Nam, khoảng 2 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp, các làng nghề cả nước đã xuất khẩu sản phẩm ra chừng 100 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, nhược điểm cố hữu của các làng nghề bấy lâu nay là khả năng quảng bá, tiếp thị, khảo sát thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài để định hướng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu xuất khẩu còn nhiều hạn chế.
Theo nhận định của chuyên gia, để các làng nghề đi theo hướng chuyên nghiệp, lâu dài hơn cần có sự hậu thuẫn của doanh nghiệp. Đây không chỉ là mô hình mà còn là hướng đi tất yếu cho làng nghề của cả nước.
Nhằm từng bước khắc phục vấn đề ô nhiêm môi trường, chuyên gia cho rằng, cần sớm hoàn thiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường làng nghề, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với chất thải của sản xuất…