Bảo hiểm Thất nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ quỹ?
Thứ bảy, 16/06/2012, 16:44 GMT+7
Đến hết tháng 4/2011 có 7,4 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Với số liệu trên, Cục trưởng Cục việc làm Nguyễn Đại Đồng Bộ LĐ-TB&XH; e ngại, đến năm 2013, Quỹ BHTN sẽ vỡ.
Bảo hiểm xã hội VN cho biết, năm 2009 có 5,9 triệu người tham gia bảo BHTN đưa tổng số thu là 3.510 tỷ đồng; năm 2010 có 7,05 triệu người, đưa tổng số thu khoảng 4800 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2011 có 7,4 triệu người tham gia BHTN. Với số liệu trên, Cục trưởng Cục việc làm Nguyễn Đại Đồng Bộ LĐ- TB&XH e ngại, đến năm 2013, Quỹ BHTN sẽ vỡ.
Còn theo thống kê của Bộ LĐTB-XH, trong tổng số nhu cầu tuyển dụng hàng năm, chỉ có 46% tuyển vào chỗ làm mới. Số còn lại chủ yếu là tuyển thay thế cho sự biến động lao động của DN, tập trung nhiều ở ngành may mặc, da giày...Báo cáo từ các địa phương trong cả nước cũng cho thấy tình hình giải quyết việc làm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ước 6 tháng đầu năm 2011, cả nước giải quyết việc làm cho khoảng 720.000 lao động, trong đó, việc làm trong nước là 676.000 người và tạo việc làm ngoài nướckhoảng 44.000 người, đạt 45% kế hoạch và bằng 96,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Lý giải nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐTB-XH nguyên nhân cơ bản xuất phát từ nền kinh tế đang chịu cảnh lạm phát cao (12,07%). Nhiều doanh nghiệp không chịu nổi mức lãi suất đi lên theo ngày để đầu tư cho một công việc mới nên cũng hạn chế tuyển dụng.
Cùng đó là tình trạng, một số doanh nghiệp luôn tuyển mới để thay thế số công nhân cũ nhằm trốn tránh nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong khi mức lương vừa học vừa chỉ phải trả rất thấp.
Chuyên gia Bộ LĐTB-XH nhận định, để khắc phục tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động, thì Chính phủ cần có chỉ đạo trong việc xây dựng, thực hiện quy định, chính sách để các DN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn trước khi đầu tư dự án lớn ở địa phương nào, phải báo cáo cụ thể về phương án, kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực, cũng như có trách nhiệm trong việc đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực.
Về vấn đề dạy nghề chuyên gia cho rằng cần chú trọng đến phát triển các nghề truyền thống ở các huyện nghèo, vùng khó khăn. Đồng thời chuyển dịch dạy nghề từ năng lực hiện có sang dạy nghề theo nhu cầu xã hội. Phải đạt mục tiêu để người lao động phải đạt mức lương khởi điểm bình quân từ 3,3 triệu đồng/tháng trở lên và khi có vị trí làm việc là 5 triệu đồng/tháng/người trở lên.