Người xứ Nghệ tỏ thái độ vô cùng bức xúc vì bị “phân biệt đối xử” trên các trang mạng xã hội.

Gần đây, một số trang báo điện tử đã cho đăng tải ý kiến được cho là “ác cảm” đối với người Nghệ An của giám đốc một doanh nghiệp ở Hải Phòng.
Theo quan điểm của vị lãnh đạo này thì những người Nghệ An đều keo kiệt, bủn xỉn, xấu tính và thích chèn ép người khác… Vị giám đốc giấu tên này cũng không ngần ngại tuyên bố, “đợt nào tuyển dụng nhân sự, tôi mà cầm hồ sơ của bạn nào xứ Nghệ, kiểu gì tôi cũng loại ngay.”
Những lời nói của vị giám đốc trên đây gần như ngay lập tức gặp phải sự phản ứng dữ dội của người dân xứ Nghệ trên các trang cá nhân, và các trang mạng xã hội. Phần lớn những người dân sinh ra từ mảnh đất miền trung đều cho rằng, chính họ đang bị phân biệt đối xử. Sau khi bài báo đăng tải ý kiến của Giám đốc một doanh nghiệp ở Hải Phòng, nhiều thông tin, ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
Người dân xứ Nghệ bày tỏ bức xúc trên trang mạng Facebook
Chia sẻ sự bức xúc trên trang mạng xã hội Facebook. “Người Nghệ An sinh ra lớn lên chịu khó, họ rất giỏi dù đi đâu làm ở đâu thì họ vẫn có một bản sắc, tinh thần riêng. Tôi không hiểu sao lại có người đứng đầu một công ty mà lại phát biểu, lên tiếng như vậy. Phải chăng ông lãnh đạo này muốn trả thù chăng?”, nickname được cho là của một người Nghệ An viết.
Một thành viên khác cho rằng, chắc chắn không có nhiều người nghĩ xấu về người Nghệ An như vị giám đốc kia và người xứ Nghệ cũng sẵn sàng “tẩy chay” những con người như vậy: “Em nghĩ ông giám đốc này chỉ là thiểu số thôi. Những người lãnh đạo như ông ấy thì chắc cũng chẳng người Nghệ An nào muốn là việc cùng đâu.”
Bạn Phùng Nguyên, sinh viên người Nghệ An vừa mới tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng tại Hà Nội, lại tỏ ra lo lắng: “Em thực sự sốc khi đọc được những thông tin đó. Nếu ai cũng có suy nghĩ như vị giám đốc kia thì những sinh viên mới tốt nhiệp như chúng em sẽ ra sao? Không lẽ chúng em mất 4 năm đại học chỉ để về quê làm ruộng?”.
Cũng theo bạn Nguyên dù ở đâu, người nào thì chúng ta cũng phải khẳng định là có người tốt, người xấu. Không chỉ vì một việc riêng, một va chạm nhỏ trong xã hội mà quy chụp và phát biểu một cách phiến diện như vậy được.
Chúng tôi cũng đem câu chuyện hy hữu trên trao đổi với ông Phạm Văn T, Trưởng phòng nhân sự của một công ty truyền thông tại quận Đống Đa, Hà nội. Với kinh nghiệm của mình, ông T cho rằng, “một nhà tuyển dụng thông minh là người tìm được những nhân viên có tâm và có tài để giúp công ty phát triển, chứ không phải nhân viên đó xuất phát từ vùng nào, tỉnh nào”.
“Nếu một lãnh đạo nhất quyết không tuyển nhân sự là người của một tỉnh nào đó thì tôi nghĩ vị lãnh đạo đó có cái nhìn quá phiến diện.Tôi không biết là với cách nhìn đó thì liệu họ sẽ điều hành công việc kinh doanh của mình như thế nào,” ông T nói thêm.
Theo ông T, có rất nhiều ưu điểm mà nhiều lao động ở các tỉnh khác không có hoặc là không thể bằng được người ở miền trung đặc biệt là Nghệ An, ví dụ như là đức tính cần cù chịu khó. Họ không bao giờ ngại khó ngại khổ, thức khuya dậy sớm, tăng ca làm thêm. Mục đích cuối cùng của việc đi làm của ai cũng là để kiếm tiền, nhưng kiếm tiền một cách chịu thương chịu khó như những công nhân xứ Nghệ - Tĩnh mà tôi từng biết đến thì thật là đáng khen ngợi.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân Nghệ An bị giới doanh nghiệp chê bai và tuyên bố không tuyển dụng. Thực tế, kể từ năm 2006 đến nay, một số doanh nghiệp phía Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương, đã thẳng thừng từ chối nhận lao động là người Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh với lý do vì họ... không có niềm tin vào những lao động xuất thân từ những tỉnh thành này. Chính sách của Nhà nước Việt Nam không cho phép bất kỳ một doanh nghiệp nào được phép tẩy chay người lao động chỉ vì họ sinh ra ở các tỉnh Nghệ - Tĩnh. Nếu doanh nghiệp làm như thế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại cả đạo đức, tình người của dân tộc ta.