![]() |
![]() |
Hãy cùng tôi lấp đầy ước mơ cho "những vầng trăng khuyết"! Thứ hai, 01/10/2012, 15:01 GMT+7 Cuộc sống cần có ước mơ để có ý nghĩa hơn. Lớp học nghề cho những trẻ em bị khuyết tật của người phụ nữ mang tên Đại Thị Hiển được thành lập cũng với mong muốn những đứa trẻ không may ấy sẽ có ước mơ cho cuộc sống tròn vẹn hơn... Trước đây, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", vất vả với công việc đồng áng bà Đại Thị Hiển (thôn Đồng Nhạn, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa một lần dám nghĩ tới một cuộc sống yên ả, không phải lo toan về kinh tế. Nhưng với những mơ ước tốt đẹp trong tâm hồn bà, dần dà cuộc sống đã mang lại cho bà một cuộc sống mà theo bà là ngoài sự mong đợi. Hiện hai con của bà đã là cử nhân của các trường đại học, gia đình hạnh phúc, ấm êm, kinh tế khá giả...
Bà Đại Thị Hiển tâm sự: "Về ý tưởng thành lập ra công ty TNHH dạy nghề Hoa Mai, ban đầu tôi cũng chỉ định thành lập những lớp học cho trẻ em khuyết tật được học và sau này được làm việc có ích phục vụ cho chính cuộc sống của các em thôi. Nhưng sau nghe mọi người nói rằng phải thành lập công ty, phải có con dấu thì sau khi tốt nghiệp, những em học viên ở đây mới có cơ hội được nhận vào các công ty khác nên tôi đã quyết định mở công ty...". Gọi là công ty, nhưng cũng chỉ vẻn vẹn có bà Hiển, 3 cô giáo dạy nghề và các em khuyết tật đến cơ sở để học.
"Giám đốc" Đại Thị Hiển với các em khuyết tật tại lớp học may.
Ban đầu, bà Đại Thị Hiển thuê cơ sở tại xã Bá Hiến để "chiêu sinh" với mức phí phải trả hàng tháng là 6 triệu đồng. Có nhà xưởng để dạy các cháu, nhưng lại thiếu chỗ vệ sinh, bà Hiển lại tiếp tục đầu tư thêm 30 triệu đồng để xây công trình phụ. Nghe có lớp học cho trẻ em khuyết tật người dân quanh vùng ai nấy đều vui mừng. Nhưng ở thời điểm ban đầu ấy, lớp học chỉ được nhận những em là người thuộc huyện Bình Xuyên, nên bà Hiển phải nói dối với người ta về nhiều trường hợp thuộc huyện lân cận khác để các em được vào học nghề. Bà tâm sự: "Vì lúc ấy lớp học mới mở, trên huyện người ta đề nghị là chỉ được nhận con em trong huyện thôi. Nhưng nhìn các cháu ở xa đến với mong muốn được học nghề, hoàn cảnh khó khăn nên tôi đành nói dối là con cháu trong nhà để các em được vào học".
Nhìn những gương mặt ngây ngây, ngô ngô nhưng với bao niềm hy vọng trong những trái tim còn tươi trẻ và căng đầy sức sống háo hức với việc học nghề bà Hiển cũng cảm thấy vui hơn và quyết tâm hơn trong công việc. Khi lớp học mới được mở, cả thẩy có 36 em học sinh, các em người thì câm, người thì điếc, người khèo tay, đứa tấp tểnh... nhưng đều hồ hởi, ngay ngắn với những ước mơ đầy hoàn thiện, ước mơ được sống, được cống hiến...
Là công ty TNHH, nhưng bà Đại Thị Hiển chưa bao giờ nhận mình là giám đốc, bà cười gượng: "Lấy là công ty là chủ yếu giúp các cháu liên hệ công việc khi học xong, với lại những công ty khác đặt hàng để các cháu có công ăn việc làm. Chứ quanh năm với ruộng đồng, cái tên giám đốc nghe nó cứ oai oai làm sao...". Bà Hiển khoe, khóa học đầu tiên bắt đầu từ tháng 6, năm 2011, khi các em học xong, có 4 em được nhận vào các công ty lớn làm việc với mức lương rất khá. Các em còn lại có nghề thì người ở nhà tự làm, người tự nguyện ở lại công ty để làm việc và giúp đỡ những người khuyết tật đến sau. Và người ta gọi vui về công ty của bà Hiển là "công ty không sinh lợi" vì công ty chỉ thu nhận và rèn rũa cho các em chứ không đặt mục đích kinh tế lên đầu cũng không kinh doanh. Tất cả các sản phẩm mà các em làm ra khi bán được các em đều được nhận lại những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình.
Mỗi em khuyết tật đến đây học nghề được nuôi miễn phí và có chỗ ăn ngủ đàng hoàng.
Hiện nay, tại công ty của bà Hiển có 24 em học sinh khuyết tật với công việc chính là học nghề may và làm hoa giấy. Những em đến đây tham gia học nghề được bà Hiển chu cấp toàn bộ từ quần áo, đến phòng ở... Khi chúng tôi đến công ty, lớp học vẫn đang quây quần đầm ấm, cô trò thân thiện như một gia đình. Cô Phan Thị Cao, một giáo viên được bà Hiển thuê về đây để dạy nghề cho các em khuyết tật tâm sự: "Nhận lời đến dạy các em, ban đầu khó khăn với chúng tôi chồng chất. Các em đều là những người câm, điếc, nhận thức còn khó khăn nên việc quản lý, dạy dỗ các em rất khó. Mặt khác nhà xưởng vẫn đang trong quá trình xây dựng nên cả cô và trò đều vất vả. Nhưng cứ nghĩ đến những khuân mặt hồ hởi với công việc là chúng tôi lại thấy ấm lòng và ham thích công việc của mình hơn".
Với việc ban ngày dạy nghề cho các em, ban đêm lại quản lý các em về việc ăn ngủ cho đúng giờ giấc, mỗi tháng cô Cao và hai cô giáo nữa tại công ty này nhận mức lương 2 triệu đồng. Số tiền không lớn, nhưng những đồng tiền ấy thật ý nghĩa khiến cho ai cũng cảm thấy vui hơn.
Em Dương Văn Thọ, năm nay 17 tuổi là một học viên đã "trưởng thành" từ lớp học của công ty cô Hiển. Nhưng khi ra nghề, Thọ không muốn rời xa lớp học ấy nên đã xin cô cho ở lại đây để làm việc và giúp các cô dạy dỗ các em mới vào. Được biết hoàn cảnh của Thọ rất khó khăn, bố mất, mẹ đi lấy chồng khác nên Thọ ở với ông nội đã già yếu. Được học nghề, có nghề Thọ rất vui, cuộc sống của một đứa trẻ khuyết tật đầy bất hạnh bỗng sáng lên, giờ đây cuộc sống của Thọ là tiếng cười, trên đôi chân tấp tểnh Thọ vẫn vững vàng đứng chỉ dẫn cho các bạn cùng công ty một cách đầy nhiệt huyết với nụ cười tươi rói trên môi.
Nụ cười đầy hạnh phúc của Thọ khi được nhận vào học việc, giờ em không muốn xa nơi này.
Thu nhập của những học viên ở lại đây làm việc không cao, mỗi tháng các em chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng, nhưng cầm những đồng lương được làm ra từ mồ hôi công sức của chính mình các em ai nấy đều rất vui. Nhìn các em khuyết tật với gương mặt rạng ngời, bà Đại Thị Hiển lại trầm tư: "Bây giờ mới là khóa thứ 2 các em đến đây để học nghề. Vui đó, nhưng còn bao nhiêu nỗi lo. Tôi sợ một mình tôi sẽ không đủ sức để cáng đáng thêm được nhiều thời gian nữa. Tôi rất hy vọng, sẽ có nhiều tập thể, cá nhân, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và trên cả nước sẽ cùng tôi chia sẻ, giúp đỡ các em khuyết tật để các em có cuộc sống ý nghĩa hơn... các em sẽ không còn cảm thấy mặc cảm, ước mơ sẽ khiến cuộc sống của các em được tròn trịa hơn".
Đức Hạnh -Thùy Giang
Người viết : admin
|
Copyright © 2011 Việc Làm Việt Nam - Vina Work - Thiết kế web: TRUST.vn | ![]() |