Người Việt Nam kém hài lòng với công việc nhất châu Á

Chủ nhật, 23/09/2012, 00:28 GMT+7


Mặc dù có tỷ lệ thất nghiệp vào loại thấp nhất, nhưng người Việt Nam lại kém hài lòng với công việc của mình nhất trong số 22 nền kinh tế châu Á.

 
Kỳ vọng cao là nguyên nhân khiến nhiều người không hài lòng với công việc.
   



Đây là kết quả cuộc khảo sát về nhân lực của công ty tư vấn quản trị nhân sự Gallup Inc của Mỹ, vừa được công bố cuối tuần qua.

Theo cuộc khảo sát này, chỉ có 48% người Việt Nam được hỏi cho rằng công việc của họ là phù hợp, lý tưởng, còn lại có tới 52% không hài lòng với công việc của mình. Đây là tỷ lệ không hài lòng thấp nhất trong số 22 nền kinh tế châu Á có tham gia cuộc khảo sát. Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam là 2,27%, ở mức rất thấp so với các nền kinh tế khác.

Trung Quốc cũng có tỷ lệ không hài lòng thấp tương tự Việt Nam, đứng thứ 2 từ dưới lên trên bảng xếp hạng. Có 49% người Trung Quốc hài lòng với công việc của mình. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc là 4,1% năm 2011 nhưng kỳ vọng về nghề nghiệp của người Trung Quốc lại rất cao.

Báo cáo từ cuộc khảo sát cho biết :”Số việc làm hiện có ở Trung Quốc không đủ để đáp ứng kỳ vọng nghề nghiệp rất cao của lực lượng lao động, cũng như không đủ để duy trì và phát triển một nguồn nhân lực kế cận hiệu quả cao”.

Dường như nhiều người lao động ở Trung Quốc không chỉ mong muốn tìm một công việc bình thường mà họ muốn một công việc “lý tưởng”, thường là một môi trường làm việc tốt nhất để họ có thể phát huy năng lực sở trường của mình.

Những lo ngại về kỳ vọng cao của người tìm việc càng được nhấn mạnh trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra một số vụ việc liên quan đến áp lực đối với những sinh viên giỏi với tầm bằng cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ trong tay mà vẫn không tìm được việc làm.

Cuối năm 2009, một thạc sĩ trẻ sau khi thất nghiệp hơn một năm đã nhảy xuống từ tòa nhà của Đại học West Normal với tấm bằng trong tay và chết ngay sau đó.

Du Hanqi, một nhà tâm lý học tại Bắc Kinh cho biết, quan điểm về giá trị của người tìm việc đã thay đổi khi thị trường ngày càng cạnh tranh trong nền kinh tế tăng trưởng nhanh.

“Nhiều năm trước đây, mọi người sẵn sàng bắt đầu sự nghiệp từ mức khởi điểm thấp. Giờ đây, áp lực từ bạn bè cùng trang lứa, từ xã hội khiến những sinh viên tốt nghiệp thường cố gắng tìm cho được công việc lý tưởng ngay, thay vì bắt đầu từ những bậc thang đầu tiên trong sự nghiệp”.

Cuộc khảo sát được thực hiện với với hơn 5000 người từ 22 nền kinh tế khác nhau, trong đó người Trung Quốc chiếm số đông.

Nước đứng đầu trong bảng xếp hạng này là Lào, với hơn 90% người được hỏi cho biết họ có công việc mong muốn. Đứng sau Lào là Philippines, nơi 81% người lao động được hỏi cho biết họ hài lòng với công việc. Và tại Nepal, tỷ lệ này là 80%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lao động của Trung Quốc phản đối kết quả khảo sát này vì cho rằng mẫu khảo sát nhỏ và các câu hỏi chưa rõ ràng. Họ cũng cho rằng một nửa số người lao động hài lòng với công việc của mình cũng là một con số tích cực.

Zhang Yi, một chuyên gia của Viện Kinh tế dân số và lao động, thuộc Học viên Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, nền tảng văn hóa khác nhau của các nền kinh tế khác nhau, trong những giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển kinh tế đã khiến các số liệu khảo sát khó có thể đưa ra so sánh. Để đánh giá mức độ hài lòng với công việc, còn nhiều yếu tố khác nhau phải xem xét.

Liu Junsheng, một nhà nghiên cứu cao cấp của Bộ Lao động và an ninh xã hội cho rằng, người lao động tại Lào và Nepal có ít cơ hội để lựa chọn về nghề nghiệp hơn, vì thế họ cảm thấy hài lòng với công việc hơn là Trung Quốc, nơi thị trường lao động lớn và đa dạng.

Hoàng Yến - (theo China Daily)


Người viết : admin


Copyright © 2011 Việc Làm Việt Nam - Vina Work - Thiết kế web: TRUST.vn