Trao cơ hội để tự tin hòa nhập

Thứ năm, 13/09/2012, 00:22 GMT+7

QĐND Online –Tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình và được thể hiện giá trị bản thân là một nhu cầu cấp thiết và chính đáng của tất cả người khuyết tật. Thế nhưng trên thực tế, người khuyết tật vẫn chưa thực sự có cơ hội giao tiếp, học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng để tìm việc làm và hòa nhập đầy đủ với xã hội.

QĐND Online –Tìm được việc làm để tự nuôi sống bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình và được thể hiện giá trị bản thân là một nhu cầu cấp thiết và chính đáng của tất cả người khuyết tật. Thế nhưng trên thực tế, người khuyết tật vẫn chưa thực sự có cơ hội giao tiếp, học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng để tìm việc làm và hòa nhập đầy đủ với xã hội.

Làm thế nào để các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ kết hợp với nhau, tạo ra tiếng nói chung, cùng hỗ trợ người khuyết tật tự xây dựng những kỹ năng cơ bản, kỹ năng mềm…từ đó giúp người khuyết tật đánh giá đúng năng lực bản thân và tìm được việc làm phù hợp cho chính mình. Đây cũng là chủ đề đề chính của Hội thảo Cơ hội việc làm cho người khuyết tật, do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF); Hội đồng dải băng xanh (BREC); Chương trình hỗ trợ phát triển Ai-len (Irish Aid); Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID)…cùng một số tổ chức phi chính phủ phối hợp tổ chức.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp đã và sẽ tuyển dụng người khuyết tật làm việc, một số người khuyết tật là sinh viên thuộc các trường trung cấp và đại học tới để chia sẻ và tìm cơ hội được nhận việc làm.

Một số sinh viên khuyết tật dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hòa

Vượt qua tự ti, tìm cơ hội

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thu Hà, đại diện cho Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) phát biểu khẳng định, sự vươn lên của nhiều tấm gương người khuyết tật không chỉ thay đổi cuộc sống cho bản thân, cho gia đình mà còn góp phần làm giàu cho nền kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và tạo nhiều cơ hội việc làm cho những người khuyết tật khác.

Đề cập thực tế đang diễn ra, bà Hà cho biết, vẫn có những người khuyết tật đặc biệt là các thanh niên, các sinh viên khuyết tật hiện chưa được tiếp cận những cơ hội việc làm phù hợp với năng lực và kiến thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng này, cả phía người sử dụng lao động lẫn từ bản thân người khuyết tật. Hội thảo lần này sẽ là một cơ hội đưa doanh nghiệp và người khuyết tật đến gần nhau hơn; chia sẻ cơ hội và cả những khó khăn, vướng mắc trong việc tuyển dụng lao động, giúp người khuyết tật có thể tham gia vào thị trường lao động một cách bình đẳng, hòa nhập hơn.

Nói về thực trạng hiện nay, ông Phan Cường, cố vấn Irish Aid tại Việt Nam dẫn ra một kết quả điều tra mới đây cho biết, số 70% người khuyết tật có khả năng lao động muốn có việc làm, nhưng chỉ có 3% trong số này được học nghề một cách bài bản. Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Chính, điều phối viên của BREC cho biết, hiện Việt Nam có khoảng trên 6 triệu người khuyết tật, trong số này 60% ở độ tuổi 16 đến 55, và có 50% tìm được việc làm. Cụ thể Khu vực nông nghiệp chiếm 70%, các lĩnh vực khác 30%.

Đại biểu và doanh nghiệp dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hòa

Theo sự phân tích tại hội thảo, một trong những nguyên nhân các bên chưa “tìm” đến được với nhau, ngoài các chính sách, cơ chế và sự tính toán của doanh nghiệp, điều khá quan trọng nằm ở phía người khuyết tật, khi còn nhiều người tự ti với chính mình, với xã hội. Nhấn mạnh tới điểm yếu này khi chia sẻ với phóng viên báo QĐND, anh Nguyễn Văn Nho, sinh năm 1987, một người không may bị cụt cả hai chân trong một tai nạn giao thông cho biết “rất nhiều người khuyết tật có mặc cảm tự ti. Chính mặc cảm tự ti đã khiến nhiều người bỏ qua cơ hội học tập, kiếm việc làm”.

Lấy ví dụ bản thân,Nho cho biết, anh đã từng tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, chuyên ngành Điện, sau đó xin được việc làm tại một công ty liên doanh. Trong một lần đi công tác bằng xe máy, anh đã bị tai nạn, cụt hai chân. “Sau tại nạn, tôi đã rất chán nản, thậm chí đã có lúc nghĩ tới cái chết. Cơn khủng hoảng rồi cũng qua đi. Công ty cũ có mời quay lại làm việc ở văn phòng, nhưng lúc đó, tâm lý tự ti đè nặng, tôi đã từ chối”, anh Nho cho biết.

Nguyễn Văn Nho trả lời phỏng vấn. Ảnh: Nguyễn Hòa

Chia sẻ về ước mơ của mình, anh Nho cho biết, hiện anh đang học tại trường trung cấp công nghệ thông tin (ITTP), học phí, tiền ăn và chỗ ở được miễn phí hoàn toàn. Sau khi tốt nghiệp anh sẽ tiếp tục học nâng cao về lập trình và cố gắng dành dụm, kêu gọi tài trợ để thành lập một công ty nhằm giúp đỡ lại những người khuyết tật. Nho “bật mí” anh được một cô bạn cùng lớp cũng là người khuyết tật rất “thương”. “Cô ấy đã giúp đỡ tôi nhiều, và ngược lại, tôi lớn tuổi hơn, đã từng tốt nghiệp đại học, cũng giúp đỡ lại cô ấy. Tình bạn của chúng tôi đã giúp vơi đi khó khăn, mặc cảm. Tôi hoàn toàn tự tin và sẵn sàng cho một cuộc sống mới”, anh Nho nói.

Cũng với tinh thần lạc quan, chị Đỗ Hồng Giang, cử nhân chuyên ngành Tâm lý học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, bị khuyết tật ở chân, cho biết “hầu hết những bạn khuyết tật mà em biết đều xin được việc làm, chỉ có điều công việc đó thế nào và có phù hợp hay không thôi. Công việc của em tại Hội đồng Anh tuy không đúng chuyên môn, nhưng có thể nói là cũng khá dễ chịu. Mọi người ở đây nhiệt tình giúp đỡ những người như chúng em”.

Chị Đỗ Hồng Giang. Ảnh: Nguyễn Hòa

Chị Giang cũng cho biết, tới hội thảo này, chị mong muốn tìm hiểu thông tin và tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp, những người khuyết tật như chị sẽ tìm được một công việc hay một công ty phù hợp với trình độ và sức khỏe của mình. “Hiện giờ tôi vẫn chưa tìm được. Hi vọng tôi sẽ tìm được một nơi hợp với mình. Những người khuyết tật như chúng tôi cũng phải lập gia đình. Vì vậy, có công việc ổn định mới bảo đảm cuộc sống gia đình sau này”, chị Giang chia sẻ.

Tự lựa chọn tương lai cho mình

Trong nhiều năm qua, các cấp chính quyền đã phối hợp với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật bằng nhiều hình thức khác nhau. Chia sẻ tại hội thảo, bà Hoàng Thị Na Hương, Phó Tổng giám đốc của công ty mũ bảo hiểm Protec cho biết, từ khi công ty nhận người khuyết tật vào làm việc, một số vị trí làm việc, lối đi lên xưởng, lối đi vệ sinh…đều có sự cải tiến cho phù hợp với người khuyết tật. “Người khuyết tật tại công ty chúng tôi cũng cảm nhận rõ sự quan tâm, tất cả đều thoải mái và tự tin, thậm chí có những người khuyết tật mất hai tay vẫn xung phong làm ở những vị trí khó, vì họ muốn học hỏi, muốn khẳng định. Điều này thực sự có ý nghĩa với công ty”, bà Hương cho biết.

“Theo tôi khó khăn lớn nhất với người khuyết tật chính là sức khỏe và trình độ. Bản thân công ty tôi cũng như nhiều công ty khác, luôn tạo điều kiện chứ không hề có sự kỳ thị”, bà Hương trao đổi bên lề hội thảo. Bàn thêm về khó khăn đối với người khuyết tật bà Hương cho biết, người khuyết tật chỉ được lao động 6-7 giờ/ngày, không được phép làm thêm giờ. Điều này cũng một phần hạn chế thu nhập của người khuyết tật. Theo kinh nghiệm của bà Hương, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp sử dụng người lao động là người khuyết tật, điều đầu tiên cần có các biện pháp “cứng” với một số doanh nghiệp chưa tự giác. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng cần đẩy mạnh.

Bà Hoàng Thị Na Hương trình bày ý kiến. Ảnh: Nguyễn Hòa

Một công tác hết sức quan trọng đó chính là quan tâm đến đời sống tinh thần của người khuyết tật. Chia sẻ điều này, bà Hương cho biết, công ty Protec đã tổ chức rất nhiều hoạt động như thăm quan, nghỉ mát, tạo cơ hội cho mọi người gần gũi nhau, chia sẻ với cộng đồng. Đã có nhiều người khuyết tật lập gia đình với người bình thường và sống rất hạnh phúc. “Họ sống rất hòa nhập. Đời sống tinh thần cũng thay đổi rất nhiều. Nhiều người khuyết tật đã chia sẻ rằng, từ một người sống phụ thuộc, giờ đã có công việc, có thu nhập ổn định, có cuộc sống hạnh phúc hơn”, bà Hương cho biết.

Chung quan điểm về vấn đề trên, ông Phan Cường cho rằng, hỗ trợ và tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật ngoài tạo sinh kế cho người khuyết tật, mục đích chính là để tăng tiếng nói, tăng quyền của người khuyết tật, hòa nhập thực sự với xã hội. Cần nhìn vào sự thiệt thòi của họ để đánh giá khả năng, năng lực thực sự của họ. Người khuyết tật cũng thực sự tham gia và đóng góp cho quá trình phát triển, vì vậy người khuyết tật cũng phải bình đẳng như tất cả mọi người bình thường.

Ông Phan Cường. Ảnh: Nguyễn Hòa

Để các ý tưởng tốt đẹp trên thành hiện thực, theo ông Cường, cần có cách tiếp cận đa chiều. Hệ thống cơ sở hạ tầng cứng và mềm phải phù hợp với người khuyết tật, để tất cả mọi nghề đều có sự tham gia của người khuyết tật. Chia sẻ một sự án thành công ở Việt Nam, ông Cường cho biết, Chương trình hỗ trợ phát triển Ai-len hiện đang rất thành công trong dự án phát hiện và can thiệp sớm. Có nghĩa là ngay từ khi các bé chào đời, phải phát hiện ngay có vấn đề gì về khuyết tật không. Khi các bé đã bị khuyết tật rồi, cần có sự giáo dục để thích nghi ngay từ trước tiểu học, tiểu học đến các cấp cao hơn…

Theo ông Cường, với những người khuyết tật trẻ có khả năng, cần hỗ trợ cho các em có thêm các cơ hội để đi học và tạo điều kiện để các em được thực tập và có việc làm ổn định. “Quan trọng nhất là phải để người khuyết tật tin vào chính mình, vượt qua chính mình. Theo tôi không nên cứng nhắc theo một khuôn khổ, mà nên tạo cơ hội cho người khuyết tật lựa chọn tương lai của mình”, ông Cường chia sẻ quan điểm về cách thức hỗ trợ người khuyết tật.

NGUYỄN HÒA



Người viết : admin


Copyright © 2011 Việc Làm Việt Nam - Vina Work - Thiết kế web: TRUST.vn