Có nghề, nhưng phải đảm bảo có việc

Thứ năm, 02/08/2012, 18:17 GMT+7

 

 

 

Qua 2 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, báo cáo sơ bộ từ nhiều địa phương cho thấy, đến nay chỉ tiêu đào tạo 1 triệu lao động nông thôn (LĐNT) chưa đạt được yêu cầu của chương trình.   


Cụ thể, ở những nơi được xây dựng mô hình điểm, khoảng 70% LĐ được đào tạo nghề có việc làm phù hợp, nhưng nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc biết nghề mà chưa có việc.

Nhiều tỉnh, thành không đạt chỉ tiêu

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở LĐTBXH thành phố, trong khoảng 40.000 LĐNT được đào tạo trong năm 2011, tỉ lệ có việc làm thấp nhất 70%, cao nhất 90%. Còn tại Hà Nam, Sở LĐTBXH tỉnh cho hay, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã đào tạo cho 1.711 LĐNT các nghề như may công nghiệp, hàn, chăn nuôi, điện dân dụng... với tổng kinh phí thực hiện là 3,45 tỉ đồng. Kết quả, sau đào tạo có 75-80% LĐNT có việc làm hoặc tự tạo việc làm bằng các nghề đã học.

LĐ trẻ nông thôn cần được đào tạo nghề để có việc làm.
LĐ trẻ nông thôn cần được đào tạo nghề để có việc làm.

Tại Cao Bằng, số LĐNT được dạy nghề trong 2 năm qua là 5.694 người, trong đó, có 67 người là đối tượng chính sách, 163 người thuộc diện hộ nghèo, 210 người tàn tật... Kinh phí hỗ trợ dạy nghề và kinh phí hỗ trợ đời sống cho LĐNT học nghề là gần 10 tỉ đồng và tỉ lệ LĐ có việc làm sau học nghề theo mô hình đạt 70%.

Năm 2011, tỉnh cũng đang triển khai 2 lớp thí điểm dạy nghề phi nông nghiệp (sửa chữa, lắp đặt điện dân dụng) cho 60 học viên tại huyện Phục Hòa do Trường TC Nghề tỉnh đảm nhiệm và ký hợp đồng với Nhà máy đường Phục Hòa để ổn định đầu ra cho học viên... 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (TCDN) Nghiêm Trọng Quý cho biết: Công tác quản lý, theo dõi về hiệu quả đào tạo ở nhiều địa phương còn chưa theo sát. Trong số 63 tỉnh, thành báo cáo về, có 42 tỉnh, thành bảo đảm tỉ lệ có việc làm nói chung là trên 70%; 7 tỉnh, thành chưa đạt được 70% và 14 tỉnh thành không có báo cáo về việc này. 

Cũng theo ông Quý, xét về mô hình điểm ở các tỉnh, kết quả khá khả quan - hầu hết đều đạt trên 70%, có nơi đạt trên 90% có việc làm. Tuy nhiên, cùng với việc làm thí điểm, các địa phương cũng làm đại trà và tỉ lệ có việc làm ở khu vực đại trà chưa đạt yêu cầu. 

Không chạy theo số lượng

Theo lãnh đạo TCDN, năm 2010, kế hoạch của đề án là đào tạo 400.000 LĐNT, thực tế đạt 345.000 LĐ; năm nay kế hoạch là 500.000 LĐ, nhưng đến hết tháng 11 mới đạt gần 400.000 LĐ. Phó Tổng cục trưởng TCDN Nghiêm Trọng Quý khẳng định: Số lượng năm nay cũng có thể đạt được, nhưng chất lượng cũng còn vấn đề.

Về số lượng, trung bình mỗi năm đề án đào tạo 1 triệu LĐNT; về hiệu quả, yêu cầu của đề án không chỉ là dạy, mà phải tạo việc làm. Đối với mô hình thí điểm thì phải đảm bảo 80% có việc làm. Vừa rồi, Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quyết định 1956 có họp và dự kiến, đầu tháng 1.2012 tổ chức hội nghị sơ kết các mô hình thí điểm dạy nghề nông thôn, sơ kết tình hình thực hiện Quyết định 1956 để đánh giá lại tình hình thực hiện, đề ra giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ đạo không chạy theo số lượng, đảm bảo mục tiêu có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống bà con là ưu tiên trước hết.

Về đào tạo ngành nghề, muốn đảm bảo hiệu quả, đề án xác định rất rõ các bước muốn làm có hiệu quả, phải xác định nhu cầu học nghề của LĐNT, nhu cầu tuyển dụng của các DN, các cơ sở sản xuất... và khi tổ chức lớp học xong người đó sẽ làm ở đâu, thu nhập thế nào, chính sách thế nào... 

Ngọc Bảo


Người viết : admin


Copyright © 2011 Việc Làm Việt Nam - Vina Work - Thiết kế web: TRUST.vn