Thực trạng nguồn nhân lực lao động: Bất cập “cung – cầu”
Thứ sáu, 28/09/2012, 16:04 GMT+7
Trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, con số hơn 12.000 doanh nghiệp phải tái cơ cấu, giải thể trong quý I/2012 đã nói lên sự khó khăn của các doanh nghiệp. Kéo theo đó là nhu cầu về lao động ở các doanh nghiệp giảm đi, số lượng công nhân không có việc làm tăng lên. Tuy nhiên, thị trường lao động của Hà Nội vẫn tồn tại nghịch lý về việc nguồn nhân lực thất nghiệp vẫn nhiều trong khi các doanh nghiệp cần người làm thì lại không tuyển dụng được.
“Đỏ mắt” tìm nhân lực chất lượng cao
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, 43 phiên giao dịch việc làm được tổ chức từ đầu năm đã mang đến gần 70.000 chỉ tiêu tuyển dụng, thu hút khoảng 90.000 người đến tìm kiếm việc, đạt trung bình 2.000 người/phiên nhưng số lượng lao động đáp ứng được công việc lại rất thấp.
Thông tin tuyển dụng lao động phổ thông luôn thu hút sự quan tâm
Thực trạng bất cập này càng rõ hơn nếu xét về trình độ tay nghề, chuyên môn của chính 25,6% lao động được tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông luôn ở mức rất cao nhưng các doanh nghiệp chỉ tuyển được gần 5% nhu cầu. Nhu cầu tuyển lao động có trình độ đại học ít nhưng lại tuyển vượt chỉ tiêu, đạt 117,2%; cao đẳng đạt 77% và công nhân kỹ thuật là gần 19%…
Qua đó phản ánh một thực trạng buồn rằng, đào tạo đại học hiện nay chưa theo yêu cầu của thị trường lao động, sinh viên ra trường khó tìm việc làm. Họ buộc phải chấp nhận làm những công việc trái với ngành nghề, chuyên môn đã được đào tạo hoặc làm công việc trình độ thấp hơn để có thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, gây lãng phí, bất hợp lý trong sử dụng nguồn nhân lực và góp phần gia tăng số người thất nghiệp.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải thực hiện kế hoạch cắt giảm tối đa chi phí, cắt giảm và sàng lọc nhân sự. Đối tượng là những lao động không có hoặc thiếu kỹ năng nghề. Thị trường lao động năm 2012 được nhận định giảm sôi động về số lượng và đi theo chiều hướng nâng cao chất lượng lao động.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, thành phố hiện có trên 3,2 triệu lao động, nhưng số lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 65%. Do đó, cơ cấu lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa. Dự báo, quy mô nhu cầu lao động của Hà Nội có xu hướng tăng cao do mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư trên địa bàn.
Quy mô tăng lao động chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp – xây dựng. Điều này cho thấy cần thiết phải tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nhằm hoàn thành mục tiêu tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt trên 55% và đến năm 2020 đạt 75%.
Nghề “thừa”, nghề “thiếu”
Ở một số ngành nghề, nhà tuyển dụng tìm “đỏ con mắt” cũng không đủ ứng viên. Ngược lại, có những lĩnh vực hồ sơ xin việc chất chồng nhưng lại ít được ngó ngàng. Theo nhận định của các trung tâm giới thiệu việc làm, đa số những ngành nghề như kế toán (đặc biệt bậc trung cấp), bán hàng, văn phòng, hóa thực phẩm… đều “thừa mứa” lao động. Trong khi những ngành có nhu cầu cao lại luôn “thưa thớt” như thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật, thợ cơ khí – điện, nhân sự cao cấp, nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, khách sạn…
Hiện nhiều ngành ở Việt Nam không có đào tạo chuyên sâu nên rất khan hiếm lao động. Chẳng hạn, ở lĩnh vực quản trị sản xuất, thị trường lao động hiện khó tìm thấy những ứng viên là chuyên viên chuỗi cung ứng (supply chains – tìm nguồn hàng, mua hàng, vận chuyển hàng đến nơi sản xuất, lưu kho nguyên vật liệu và thành phẩm, vận chuyển thành phẩm đến nơi bán). Ngay cả ngành CNTT, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ CNTT ở mức độ trung – cao như kỹ thuật viên hệ thống CISCO, lập trình viên Oracle…
Vấn đề đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông là điều khiến các doanh nghiệp luôn phàn nàn. Đại diện Công ty Nissei Electric Hà Nội cũng nhận định, số lao động kỹ thuật tốt nghiệp cao đẳng hoặc trung cấp nghề chiếm 10% và số lao động tốt nghiệp đại học trở lên chiếm 2% tổng số lao động của doanh nghiệp, nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: thực hành kém, thiếu tính thực tiễn. Lao động chưa quen với môi trường làm việc công nghiệp, bỡ ngỡ với nhiều loại máy móc.
Hầu hết lao động mới tuyển dụng không có thói quen báo cáo cấp trên, không bàn bạc, thảo luận công việc được giao để đạt kết quả tốt nhất. Kỹ năng tổng hợp và lập báo cáo chưa tốt dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao. Điều này lý giải vì sao doanh nghiệp rất cần lao động, nhưng tuyển mãi vẫn không đủ số lượng và chất lượng như mong muốn, trong khi tỉ lệ thất nghiệp ở thành phố vẫn trên 3,2%.
Chị Thu Giang, trưởng phòng Makerting của khách sạn Crowne Plaza cho biết, về chất lượng đào tạo ngành khách sạn, dịch vụ có khác nhau tùy từng trường nhưng nhìn chung các em đã có một số kiến thức cơ bản về lý thuyết và một chút về thực hành về ngành nghề đã học. Tuy nhiên về ngoại ngữ, những nguyên tắc ứng xử và cách chăm sóc khách hàng theo tiêu chuẩn 5 sao thì khách sạn vẫn phải đào tạo bổ xung rất nhiều.
Những kiến thức sâu về chuyên nghành khách sạn như kỹ năng bán hàng, kiến thức về các phần mềm chuyên biệt trong khách sạn, các kỹ năng làm truyền thông hay kỹ năng lãnh đạo hiện đại thì các em hầu như nắm được quá sơ sài hoặc thậm trí chưa nhận thức được hết các thông tin cơ bản về các kỹ năng này.
Do đó, để nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng và ổn định nguồn nhân lực, thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp của các cơ quan chính quyền, đoàn thể nhằm hỗ trợ, tăng cường gắn kết người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú trọng chế độ chính sách, quan tâm đãi ngộ để ổn định và phát triển lực lượng lao động. Đồng thời cần tăng cường quản lý lao động thất nghiệp, tổ chức có hiệu quả hoạt động thông tin thị trường lao động để hạn chế thấp nhất sự dịch chuyển lao động, tạo nên sự mất cân đối thị trường lao động thành phố.
Phan Phương