Thị trường lao động

Sự thật về chiêu lừa 'làm 2 giờ nhận lương 200K'

Thứ năm, 18/10/2012, 05:09 GMT+7

Rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến các địa chỉ trên tờ rơi quảng cáo để xin việc nhưng tiền mất mà việc thì chẳng thấy đâu

Xuất phát từ tờ rơi quảng cáo

Một bạn gái tên Ngọc Hà đã kể lại toàn bộ quá trình bị “đưa vào tròng” với Tiin như sau: Ban đầu cũng là tình cờ nhặt được tờ rơi quảng cáo “25 ngày giới thiệu sản phẩm mới cùng bánh kẹo…”. Tờ giấy ghi rõ chương trình làm việc là phát tờ rơi và phân phối hàng dùng thử trước cửa siêu thị, làm theo ca tự chọn và nhận lương cứng 200 nghìn ngay sau ca làm. Nhận thấy tờ rơi ghi rõ “sẽ không phải đóng khoản phí” nào và công việc được gắn mác với một doanh nghiệp bánh kẹo khá uy tín nên trong suy nghĩ, cô bạn đã “gật gù” ngay.

Với một tờ rơi có đầy đủ thông tin, rõ ràng lại kết hợp với một thương hiệu uy tín, nếu không trực tiếp “trải nghiệm” qua, bạn khó có thể nghĩ rằng đó là một công việc lừa đảo.

Theo địa chỉ trên giấy, Hà tìm đến trụ sở của doanh nghiệp đăng quảng cáo nhưng khi làm hợp đồng họ đã yêu cầu cô bạn nộp ngay 100 nghìn tiền phí (?) Không hiểu rõ khoản phí này nên Hà chỉ nộp có một nửa rồi xin tái hẹn lần sau. Về nhà, với tâm lý cảnh giác cao độ nên cô bạn đã gọi điện trực tiếp đến bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty bánh kẹo trên và nhận được thông tin là không hề có chương trình nào như vậy.
Nhanh chóng nhận ra bản chất thật của công việc trên chỉ là một mánh khóe lừa đảo, nhưng là sinh viên nên khoản tiền phí đã đóng cô bạn thật sự không đành. Hà đánh liều quay lại trụ sở mà mình đăng kí xin việc với mong muốn lấy lại được khoản tiền đã nộp trước đó. Sau khi ngỏ ý không thể tiếp tục “cộng tác” với bên công ty vì lý do bận bịu, thời gian không cho phép, cô bạn đã nhận ngay những phản ứng gay gắt, thậm chí có dấu hiệu hăm dọa, áp đặt. Việc may mắn thoát nạn khỏi nơi này đã là cả sự nhẹ nhõm với Hà, nên chuyện lấy lại khoản tiền đã mất cô nàng không còn nghĩ tới.

Chưa có việc làm đã mất 300k

Ngay sau khi biết được câu chuyện của Hà, phóng viên Tiin đã quyết định “vào cuộc” để tìm rõ chân tướng toàn bộ câu chuyện.

Chúng tớ đã tìm đến khu vực Chợ Xanh, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Ở đây, không khó để nhận được những tờ rơi quảng cáo, tiếp thị, tuyển nhân viên, nhận sinh viên làm thêm... Chỉ cần đứng một lúc bạn có thể nhận được 3,4 tờ giấy rao vặt… Và không khó để nhìn thấy, nổi lên trong vô vàn những thứ nhan nhản đó xuất hiện một loại hình “tham gia cộng tác với chúng tôi” na ná trường hợp của bạn Hà nêu trên nhưng là sản phẩm mì gói.

Vẫn là nội dung y như vậy, nhưng thay đổi thương hiệu từ “bánh kẹo” sang… “mì gói” mà biết bao sinh viên đã “vào tròng”.

Theo số điện thoại ghi trên tờ rơi, phóng viên nhanh chóng nối máy. 2 phút sau, một người phụ nữ tự xưng là L, quản lý cơ sở khu vực Hà Nội bắt máy. Sau khi được giới thiệu về công việc ghi trên tờ rơi, phóng viên thắc mắc “có chắc là sẽ nhận ngay 200 nghìn ngay sau ca làm?” thì được cô L khẳng định là “chắc chắn” và hẹn đến trụ sở để kí hợp đồng ngay.

Phóng viên đã tìm đến “... ngõ 208, thuộc Quận Thanh Xuân, Hà Nội”. Ở đây cũng đang có một vài bạn trẻ ngồi chờ nhận việc. “Trụ sở” này chỉ có duy nhất 2 bàn làm việc với hai nhân viên nữ trẻ tuổi, ngay cả tên biển hiệu, tên cơ quan đều không có. Trước mặt bàn làm việc ở mỗi bàn chỉ có đúng tấm bảng nhỏ ghi “nhân viên”.
Ngay sau màn chào hỏi, cô L đưa ra hai tờ giấy để yêu cầu hoàn thiện hồ sơ. Tờ thứ nhất là “Sơ yêu lý lịch”, tờ thứ hai gọi là “Giấy xin việc thu gọn” (?). Có vẻ như về mặt hình thức và nguyên tắc làm việc khá là quy củ, điều này tạo cảm giác yên tâm ban đầu cho người đến tìm việc. Tuy nhiên, niềm tin chưa giữ được bao lâu thì đã bị “vùi dập” một cách phũ phàng bởi sau khi kê khai đầy đủ xong thì cô L yêu cầu “Nộp 100 nghìn tiền phí hồ sơ và con dấu”.

Phóng viên thắc mắc, “vì sao trên tờ rơi ghi rõ là không phải nộp bất kì một khoản phí nào?” thì phía “công ty” giải đáp: “Thì đúng là không phải nộp khoản phí đặt cọc nào. 100 nghìn ở đây là tiền con dấu, giấy tờ của… Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Bên chị chỉ làm theo nguyên tắc”.

Với lý lẽ như vậy, có khá nhiều bạn băn khoăn, bối rối nhưng đã mất công đến đây không lẽ ra về? Vì vậy, “thà nộp 100 nghìn rồi làm thêm hai, ba ca cũng bù lại được số tiền đã mất”.

Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó, cô L lại tiếp lời: “Để có thể đi làm luôn, các em phải nộp thêm 200 nghìn nữa. Cái này gọi là tiền bảo lãnh vì thực chất là sau vòng hồ sơ này, sẽ phải có một vòng phỏng vấn. Nếu chỉ nộp 100 nghìn vừa rồi thì các em phải tự mình “vượt qua” cửa ải của nhà tuyển dụng ở siêu thị chứ bên chị thì không đảm bảo”.

“Đại diện bên siêu thị phỏng vấn có khó không?”– Một bạn thắc mắc.

“Khó thì cũng không phải là khó, cũng có một số bạn… thành công nhưng để chắc ăn thì chị khuyên các em nên nộp 200 nghìn. Nộp thêm một chút nhưng được đảm bảo là có công việc luôn không hơn sao…”- Chị L liên tiếp động viên và gạ gẫm.

Tiến thoái lưỡng nan, nộp tiếp không xong vì chưa đi làm đã mất 300 nghìn tiền phí mà không nộp thì cũng đã bị thu 100 nghìn. Chị L quả đã “chơi khó” rất nhiều bạn trẻ lúc đó.

Riêng với phóng viên thì chọn không nộp 200 nghìn để được “đi tiếp” xem phía trước vòng phỏng vấn sẽ ra sao. Cô L viết tay vội vàng cho 1 tờ giấy mới kiếm được, mà chính xác là nửa tờ với vài dòng ngắn gọn: “Giới thiệu bạn A đến gặp anh T ở ngõ 6, nhà 5 T.H…”. Tiếp tục hành trình, phóng viên đã tìm đến địa chỉ ghi trên giấy hẹn.

“May thay” địa chỉ nhà anh T có thật và cũng tồn tại một người là anh T như miêu tả của cô L. Anh T giới thiệu qua là đối tác bên cô L, sau đó hỏi một vài câu về yêu cầu kinh nghiệm công việc (phát mì gói cũng cần kinh nghiệm?) và lại nhanh chóng đưa ra một lời… hẹn: “Hẹn 5h kém 15 chiều nay, nếu nhận được điện thoại của anh thì các em chính thức được nhận, sau 5h mà không thấy anh gọi thì hẹn các em dịp khác…”.

Và tất nhiên là chẳng có bất cứ cuộc điện nào sau đó từ anh T. Như vậy, những bạn đã trót nộp 300k để được “đảm bảo” thì sau một thời gian ngắn đều “than trời” vì tiền mất tật mang (dài cổ chờ đợi hồi âm).

Đây là một bài học để giới trẻ cảnh giác với các chiêu lừa đảo .

Mức lương 200 nghìn cho một ca làm hai tiếng là miếng mồi nhử ngon lành của “nhà tuyển dụng” để thu hút các bạn sinh viên có nhu cầu làm thêm chính đáng. Với hình thức “quảng cáo một đằng - thực hiện một nẻo” đã khiến không ít các bạn trẻ “méo mặt” khi nhận ra sự thật đằng sau cái gọi là “không thu bất kì một khoản phí đi kèm. Hưởng lương ngay sau ca làm việc”. Mặc dù chiêu lừa này đã được “áp dụng” nhiều năm gần đây nhưng do nhu cầu việc làm của sinh viên quá lớn nên nhiều bạn "nhẹ dạ, cả tin" vẫn dính bẫy lừa.

Vì vậy, khi nhận được bất kì một loại hình quảng cáo tương tự như trên, các bạn hãy thật sự cảnh giác và tỉnh táo trước những lời lẽ "bùi tai", hấp dẫn. Bởi rất có thể, chỉ một chút mù quáng thôi là bạn sẽ rất dễ “vào tròng” của các đối tượng trên rồi.
    Đặc điểm chung của các tờ rơi "lừa đảo":
    - Về nội dung: Đều là “đứng phát sản phẩm dùng thử và phiếu quảng cáo…”
    - Địa điểm làm việc: Hầu hết ở các siêu thi lớn (Cầu Giấy, Topcare, Pico…) nhưng trên thực tế thì ở khu vực cửa ra vào các siêu thị trên đều không xuất hiện bất kì một chương trình nào như vậy.
    - Hầu hết các công việc này đều gắn với một thương hiệu rất nổi tiếng để đánh lừa tâm lý cảnh giác của sinh viên (từ các hãng mỹ phầm cao cấp cho đến các sản phẩm bánh kẹo nhãn hàng tiêu dùng… đều bị mang ra lợi dụng).



Người viết : admin
 In bài viết  Gửi cho bạn bè Lưu tin Lên đầu trang

Viết đánh giá




 Ẩn email của tôi
Bộ gõ : Off Telex VNI
Mã bảo vệ :  

Đang thảo luận trên diễn đàn