Thị trường lao động

Khan hiếm nhân tài - nỗi ám ảnh của thị trường lao động Trung Quốc

Thứ tư, 21/11/2012, 21:03 GMT+7


Với nguồn lao động dồi dào và giá rẻ, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một “phân xưởng” của thế giới, nơi gia công và cung cấp mọi mặt hàng từ các sản phẩm dệt may, đồ chơi trẻ em đến các bộ vi xử lý dùng trong máy tính.

 

 

 

 

 

 

 


Sẵn có hàng triệu nhân công có trình độ đại học, liệu đất nước này có thể vươn lên thành người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và kinh doanh quốc tế hay không?

Câu trả lời là điều này rất khó xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều sinh viên Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học không có khả năng làm việc hiệu quả trong các ngành liên quan đến các yếu tố nước ngoài.

Trong khi nền kinh tế quốc dân với tốc độ phát triển quá nhanh đang thu hút phần lớn những người có khả năng nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các công ty Trung Quốc đang có tham vọng vươn ra thế giới.

Nghịch lý về nguồn nhân lực

Trung Quốc có một tiềm lực vô cùng to lớn về nhân công, song rất ít người trong số đó hội đủ các kỹ năng cần thiết đáp ứng được yêu cầu của các công ty đa quốc gia. Năm 2003, Trung Quốc có 9,6 triệu lao động có trình độ đại học, nhưng chỉ chưa đến 10% ứng viên có thể làm việc ở các công ty nước ngoài thuộc các lĩnh vực như kỹ thuật, tài chính, kế toán, xã hội, quản trị, y tế…

Chỉ tính riêng số kỹ sư, hiện nay Trung Quốc đã có hơn 1,6 triệu người, đông hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Trên thực tế, có đến 33% sinh viên theo học các ngành kỹ thuật tại các trường đại học Trung quốc, trong khi con số này ở Đức là 20% và ở Ấn Độ là 4%.

Theo ý kiến của các chuyên gia thì hệ thống giáo dục của Trung Quốc hiện nay quá thiên về lý thuyết. Sinh viên Trung Quốc có rất ít kinh nghiệm thực tế trong việc lập dự án và kỹ năng làm việc theo nhóm, khác với những chương trình đào tạo kỹ thuật tại các nước châu Âu và bắc Mỹ luôn chú trọng vấn đề thực hành trong suốt quá trình học tập.

 Hậu quả của sự khác biệt đó là lượng sinh viên Trung Quốc đáp ứng được đòi hỏi của các công ty nước ngoài chỉ vào khoảng 160 ngàn, tương đương với một quốc gia có số dân ít hơn rất nhiều là nước Anh.

Trong hầu hết các lĩnh vực vừa nêu ở trên, trình độ tiếng Anh kém cỏi là nguyên nhân chủ yếu khiến các nhà tuyển dụng buộc phải nói lời chia tay với các ứng viên.

Chỉ có 3% ứng viên được xem là có đủ trình độ tiếng Anh để làm việc tại các vị trí dịch vụ tổng hợp (những công việc không đòi hỏi bằng cấp về bất cứ lĩnh vực nào). Vấn đề văn hóa và kiểu giao tiếp truyền thống của người Trung Quốc cũng là những rào cản làm cho họ cảm thấy rất khó hòa hợp với phong cách làm việc của người nước ngoài.

Không những thế, nguồn lao động của quốc gia này còn bị phân tán trên một diện tích quá rộng lớn với chưa đến ¼ số sinh viên tốt nghiệp sống tại các thành phố hoặc những khu vực gần sân bay quốc tế. Các nhà tuyển dụng nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, khi chỉ có 1/3 sinh viên Trung Quốc chấp nhận làm việc xa nhà.

Đối lập với thực trạng này, tại Ấn Độ có đến 1/2 số sinh viên học tập gần các trung tâm thương mại quốc tế như Bangalore, Delhi, Hyderabad, Mumbai và họ đều rất sẵn lòng chuyển đến làm việc ở các địa phương khác nếu cần.

Với hai yếu tố vừa nêu, sẽ hoàn toàn sai lầm nếu các công ty vội kết luận rằng thuê nhân công có trình độ ở Trung Quốc là một việc dễ dàng.

Cuộc chiến nhân tài

Nhu cầu lao động ở Trung Quốc hiện nay đang tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Các công ty mới vào làm ăn tại thị trường nước này cảm thấy rất khó khăn trong việc tuyển dụng đủ số nhân viên bản địa có trình độ phù hợp thuộc các lĩnh vực dịch vụ chủ chốt hay cho các vị trí quản lý.

Sức ép còn lớn hơn rất nhiều trong khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: chỉ từ năm 1998 tới năm 2002, lượng nhân công đã tăng từ 12% lên 23%, tức là vào khoảng 2, 7 triệu lao động. Theo ước tính, trong khoảng từ năm 2003 đến 2008, Trung Quốc sẽ đào tạo được 1, 2 triệu sinh viên có đủ tiêu chuẩn và kỹ năng làm việc trong các tập đoàn dịch vụ tầm cỡ quốc tế.

Thế nhưng lượng lao động này chỉ đủ cung ứng cho 60% các công ty đa quốc gia và liên doanh, chưa kể đến nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Những con số trên có thể khiến người ta nghĩ rằng người lao động Trung Quốc không thể rơi vào tình cảnh thất nghiệp được, vậy mà số liệu thống kê lại cho kết quả ngược lại: năm 2000, tỉ lệ lao động không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học là 1%, nhưng đến nay đã tăng lên 6%. Trung Quốc cũng đang rất thiếu những nhà quản lý tài năng.

Ước tính trong vòng 10- 15 năm tới, Trung Quốc cần đến 75 ngàn nhà lãnh đạo giỏi có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, nhưng con số thực tế hiện nay mới chỉ vào khoảng 3 ngàn đến 5000 người.

Để có những nhà quản lý tài năng, các công ty Trung Quốc đã tìm kiếm từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ các công ty nước ngoài, từ các ngành có kỹ năng quản lý tương đồng, hoặc trong số những người từng được đào tạo, làm việc ở các nước công nghiệp phát triển…, song các nguồn này ở Trung Quốc không nhiều.

Vấn đề khan hiếm lao động trình độ cao thuộc các lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế như tài chính, kế toán, kỹ thuật đã trở thành vấn đề không phải chỉ của riêng các công ty đa quốc gia đang hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc, của chính các công ty bản địa, mà còn làm đau đầu cơ quan lập pháp nước này.

Nền kinh tế Trung Quốc cần lực lượng lao động lành nghề để tăng khả năng cạnh tranh với thế giới về chất lượng sản phẩm, chứ không phải chỉ nhờ vào yếu tố giá thành như hiện nay. Với khoảng 150 triệu lao động phổ thông chưa qua đào tạo và làm việc chủ yếu tại các phân xưởng gia công, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã xa rời nền kinh tế dịch vụ hướng đến người tiêu dùng.

Nhưng như một quy luật, không quốc gia nào có thể mãi mãi giữ được chi phí sản xuất thấp, nên chính sách của Trung Quốc cần phải thay đổi, bởi vì nếu còn tiếp tục tình trạng này thì mức sống của người dân sẽ không được cải thiện, thậm chí còn đi xuống.

Chính vì vậy giải quyết vấn đề nhân lực là một trọng tâm trong sách lược của chính phủ Trung Quốc.

Những giải pháp cụ thể

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một hướng đi dài hạn nhằm giải quyết hiệu quả và triệt để vấn đề lao động của Trung Quốc. Với số dân số trên 1,5 tỷ người, chỉ cần số lao động có trình độ đại học của Trung Quốc tăng từ 10% lên 25 % (tức là tương đương với Ấn Độ), thì Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nguồn lao động kỹ thuật đông đảo nhất trên thế giới vào năm 2008.

Vậy quốc gia này phải làm gì để cải thiện chất lượng đào tạo?

- Thứ nhất, Trung Quốc cần thay đổi phương thức trợ cấp tài chính cho các trưòng đại học. Mặc dù từ năm 2000 đến năm 2002, ngân sách dành cho giáo dục đã tăng lên 50%, song do số lượng sinh viên tăng quá nhanh nên trên thực tế, lượng tiền tính trên mỗi một sinh viên lại giảm đi 5%.

Việc đầu tư tập trung vào hai trung tâm chính là Bắc Kinh và Thượng Hải cũng cần phải được điều chỉnh, bởi chi phí đào tạo tính trên một sinh viên ở Bắc Kinh cao hơn ở Thượng Hải 30% và cao gần gấp đôi so với 25 tỉnh, thành khác.

- Thứ hai, cần phải tiếp tục nâng cao trình độ tiếng Anh cho người lao động. Năm 2001, Bộ giáo dục Trung Quốc đã đưa tiếng Anh vào trường phổ thông và tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 trở lên. Bước đi này là đúng hướng và sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.

- Thứ ba, tự các công ty phải chú trọng việc bồi dưỡng nhân viên và phát triển đội ngũ lãnh đạo tài năng theo yêu cầu của mình. Microsoft là một ví dụ điển hình, khi công ty này đầu tư xây dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật Wicresoft tại Thượng Hải.

Với dự án liên doanh gồm 400 nhân viên, họ đã thuê 10 người Mỹ huấn luyện cho các đồng nghiệp Trung Quốc cách thức và văn phong người Mỹ thường dùng để viết thư điện tử. Mặc dù việc làm này đẩy chi phí quản lý nhân sự lên 15%, song nó đã nâng cao kỹ năng ngôn ngữ của người lao động lên rõ rệt.

- Cuối cùng, nhà nước cần có chính sách thu hút các sinh viên được đào tạo ở nước ngoài trở về nước làm việc, bởi vì họ chính là lực lượng lao động có trình độ cao và có đủ kỹ năng cần thiết để làm việc trong các công ty nước ngoài. Năm 2003, khoảng 12 ngàn sinh viên Trung Quốc đi du học, song họ chưa thực sự đóng góp được nhiều cho nền kinh tế.

Trong khi đó ở Ấn Độ, đội ngũ lưu học sinh trở về đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của công nghệ phần mềm và các ngành dịch vụ của quốc gia này. Họ đã thực sự làm giảm bớt gánh nặng về thiếu nhân lực trình độ cao cho Ấn Độ.

Tóm lại, hiện nay Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động giỏi và nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng cũng như quá trình hội nhập kinh tế của quốc gia này.

Để thoát khỏi tình trạng đó, Trung Quốc cần phải cải cách hệ thống đào tạo của mình theo hướng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty tầm cỡ thế giới, bất kể là công ty nước ngoài hay trong nước.

Làm được như vậy, Trung Quốc mới có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ so với các ngành sản xuất như hầu hết các nền kinh tế lớn và phát triển trên thế giới đã làm.
Theo Bwportral



 


Người viết : admin
 In bài viết  Gửi cho bạn bè Lưu tin Lên đầu trang

Viết đánh giá




 Ẩn email của tôi
Bộ gõ : Off Telex VNI
Mã bảo vệ :  

Đang thảo luận trên diễn đàn