Thị trường lao động

Hạnh phúc đáng giá bao nhiêu tiền ?

Thứ sáu, 05/10/2012, 22:21 GMT+7

Có nhiều tiền hơn sẽ khiến cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng đến một lúc nào đó, tiền không còn tỷ lệ thuận với hạnh phúc. Các chuyên gia chỉ ra rằng, chia sẻ là một cách tốt để "mua" thêm nhiều hạnh phúc cho bản thân mình.

Ảnh minh họa

Cần bao nhiêu tiền là đủ ?

Rất nhiều người trong chúng ta làm việc cật lực cả ngày để kiếm thêm nhiều tiền cho gia đình và con cái. Nhiều khi họ không còn thời gian cho gia đình vì miệt mài với công việc, kể cả ngoài giờ làm việc. Với mục tiêu kiếm tiền, họ cũng không dành đủ thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Dường như có rất ít người hài lòng với những gì đã có. Nhưng liệu có một mức ngưỡng nào mà khi đó việc cố kiếm tiền thêm sẽ là lợi bất cập hại. Hay nói cách khác, khi nào thì có thêm tiền cũng không làm chúng ta “vui” hơn?

Trong một bài báo gần đây trên tờ New York Times, hai nhà nghiên cứu Elizabeth Dunn và Michael Norton đã cố gắng tìm hiểu về sự tác động qua lại giữa số tiền và mức độ hạnh phúc.

Tất nhiên, có quan hệ chặt chẽ giữa mức lương và hạnh phúc. Những người có mức sống cao thường hạnh phúc hơn những người sống thiếu thốn. Có thêm tiền chắc chắn làm cuộc sống của chúng ta “lên đời” với thực phẩm ngon hơn, đồ đạc xịn hơn, các điều kiện giải trí tốt hơn.

Tuy nhiên điều trớ trêu là một khi đã đạt đến mức "tiêu chuẩn tiện nghi", khi bạn có đã những gì bạn cần thì kiếm tiền nhiều hơn không chắc chắn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Mức "tiêu chuẩn" ở đây có thể có nhiều loại khác nhau, tuỳ vào thành phố, vào đất nước mà bạn đang sinh sống.

Tại Mỹ, theo nghiên cứu của hai tác giả nói trên thì mức tiêu chuẩn đã giảm còn 75.000 USD/năm. Các nhà nghiên cứu của ĐH Princeton đã phân tích số liệu khảo sát của công ty Gallup từ 500.000 hộ gia đình Mỹ và nhận thấy, các gia đình có thu nhập cao có không khí vui vẻ hơn các gia đình ở mức thu nhập thấp. Tuy nhiên, tác động tích cực của đồng tiền đối với tâm trạng của con người không còn rõ ràng ở mức thu nhập từ 75.000 USD/năm trở lên.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta vẫn làm việc vất vả sau khi đã đạt đến mức thu nhập thoả mãn cuộc sống. Bỏ qua những yếu tố như truyền thống gia đình, hay mong muốn chứng tỏ sự vượt trội, thì rõ ràng quan điểm của chúng ta về quan hệ giữa tiền và hạnh phúc đã có sự sai lầm.

Ảnh minh họa

Với sự phức tạp trong định giá hạnh phúc, các chuyên gia cho rằng không phải cứ kiếm tiền gấp đôi là hạnh phúc gấp đôi. Chẳng hạn, những người kiếm được 55.000 USD chỉ hạnh phúc hơn 9% so với những người kiếm được 25.000 USD. 9% hạnh phúc hơn có lẽ là khó để định lượng. Nó không phải là 0% nhưng cũng còn xa mới đạt đến mức 100% hạnh phúc hơn như người ta vẫn kỳ vọng.

Ăn ít - ngon nhiều ?

Tuy nhiên, có một kết luận từ toàn bộ những nghiên cứu trên là việc chúng ta tiêu tiền như thế nào quan trọng hơn việc chúng ta kiếm tiền bao nhiêu. Nhiều người nghĩ rằng kiếm nhiều tiền hơn có thể cho phép chúng ta có những ngôi nhà lớn hơn, ô tô đẹp hơn, ti vi hiện đại hơn – tuy nhiên, đa phần chúng không làm ta hạnh phúc hơn nhiều.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi đã đạt đến ngưỡng đầy đủ, nếu muốn tiêu thêm tiền cho bản thân, chúng ta nên chuyển từ mua những món đồ vật chất sang mua những trải nghiệm (du lịch, tham gia sự kiện).

Ngoài ra, Dunn và Norton cũng đề cập tới khái niệm “hưởng thụ vừa đủ” – tức là không chiều chuộng bản thân một cách quá mức, điều này sẽ giúp bạn đạt được nhiều hạnh phúc hơn với số tiền mình có. Khái niệm này dựa trên cơ sở nếu bạn hạn chế sự buông thả và hành động theo khát vọng của cá nhân, bạn sẽ hiểu được rõ hơn về những điều tuyệt vời trong cuộc sống. Chẳng hạn, bạn chỉ nên ăn một miếng sô cô la nhỏ mỗi lần, thay vì ăn hết cả gói cho đã cơn thèm, điều này sẽ khiến bạn tận hưởng được vị ngon của sô cô la mỗi lần ăn, chứ không phải ăn đến phát ớn nó.

Một ví dụ khác về thoả mãn vừa đủ là lệnh cấm bán chai soda loại to tại thành phố New York. Nhiều bang ở Mỹ đã cấm bán nước ngọt trong nhiều trường học do lo ngại về tình trạng béo phì gia tăng ở trẻ em. Theo nghiên cứu của ĐH bang Arizona, việc cấm uống soda khiến mỗi lần uống người ta cảm thấy soda ngon hơn. Các chuyên gia thực phẩm trước đây cũng chỉ ra rằng miếng cắn đầu tiên hay ngụm nước đầu tiên ngon hơn gấp nhiều lần so với miếng thứ 20.

Chia sẻ để hạnh phúc hơn

Có một niềm hạnh phúc tuyệt vời nữa mà bạn có thể có được từ tiền của mình đó là chi tiền cho người khác. Đây là quan điểm đã được chứng minh bằng nghiên cứu khoa học. Các chuyên gia đã phát hiện ra rằng những người chi tiền cho người khác nhiều hơn cho chính họ thường có cảm giác hạnh phúc lâu dài hơn. Họ nhận được những cảm xúc thăng hoa hơn và mãn nguyện hơn khi tiền của mình giúp ích cho người khác.

Vì thế, mỗi khi bạn muốn tiêu xài, thay vì mua thêm đồng hồ, túi xách hay ô tô, hãy thử cân nhắc một lựa chọn mới này: thoả mãn mình ít hơn và chia sẻ sự giàu có của bạn với những người khác.

Hoàng Yến - (theo Forbes)


Người viết : admin
 In bài viết  Gửi cho bạn bè Lưu tin Lên đầu trang

Viết đánh giá




 Ẩn email của tôi
Bộ gõ : Off Telex VNI
Mã bảo vệ :  

Đang thảo luận trên diễn đàn