Diễn giả - Nghề "hot" ở Việt Nam
Thứ ba, 02/10/2012, 23:57 GMT+7
Phòng khách của Trường Đội Lê Duẩn (Hà Nội) một buổi chiều đầu tháng Ba bỗng vang lên nhiều tiếng cười rộn rã.
Tôi lách người qua cánh cửa hé mở và bước vào phòng. Khoảng ba - bốn chục gương mặt ở tuổi trung niên và thanh niên dãn rộng trong nụ cười. Ánh sáng trong phòng tối mờ. Phải nhìn thật kỹ, tôi mới thấy một người đàn ông vóc người nhỏ bé với nét mặt hóm hỉnh, đang đứng sát bên chiếc bàn đầu tiên đầu dãy bên trái - người gây ra mọi tiếng cười trong căn phòng. Đó là Tiến sỹ Phan Quốc Việt – một trong những diễn giả chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Buổi nói chuyện ở Trường Đội Lê Duẩn của Tiến sỹ Phan Quốc Việt có chủ đề về kỹ năng ứng xử. Tiến sỹ Việt gọi ra một nhóm người, chia thành cặp rồi ra đề bài: Học cách tặng quà. Anh nói: “Quà phải được trao bằng tất cả sự kính trọng, từ ánh mắt, giọng nói cho đến cử chỉ”. Lấy ra một chiếc kéo mà ai đó trong phòng bất chợt đưa cho, anh đặt chiếc kéo vào tay một chàng trai và ra lệnh chàng trai trao chiếc kéo cho cô gái đứng bên cạnh. Chàng trai ngoảnh mặt ra phía khác, một tay đưa chiếc kéo cho cô gái một cách ngượng nghịu. “Không được! Làm lại!!!”- Tiến sỹ Việt trợn mắt, hô to. Anh ra lệnh cho chàng trai xoay hẳn người về phía cô gái, đứng nghiêm, hai tay nâng chiếc kéo, đưa cho cô gái với vẻ kính cẩn, mắt nhìn vào mắt cô, miệng nói: “Mình xin tặng bạn”. Ngược lại, cô gái cũng phải học nhận món quà với tất cả sự trân trọng. Cô cũng đứng chụm hai chân, đưa hai tay đỡ lấy món quà, mắt nhìn vào mắt chàng trai, dịu dàng nói: “Cảm ơn”.
Bài học Trao quà chỉ là một trong rất nhiều kỹ năng mà Tiến sỹ Việt đưa ra trong buổi trò chuyện tại Trường Đội. Thính giả còn học được cách khen ngợi lẫn nhau, học cách cười sảng khoái hết cỡ, và lắng nghe Tiến sỹ Việt chia sẻ về bí quyết sống hạnh phúc. Buổi nói chuyện kết thúc sau khoảng ba tiếng đồng hồ sôi nổi liên tục.
Tiến sỹ Việt luôn bận rộn. Sau cuộc nói chuyện ở trường Đội, sáng sớm hôm sau ông tiếp tục đi nói chuyện tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Buổi chiều ông được mời đến diễn thuyết tại buổi gặp gỡ nhân ngày 8/3 cho chị em phụ nữ là viên chức tập đoàn Petrolimex. Tiến sỹ còn giảng dạy tại trụ sở công ty Tâm Việt do anh sáng lập. Tại đây ngày nào cũng diễn ra những lớp học bận rộn về những chủ đề như kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng ứng xử, kỹ năng phục vụ khách hàng… cho những đối tượng khác nhau: doanh nghiệp, cá nhân, thanh thiếu niên.
Nghề diễn giả - Nghề “hot” ở Việt Nam
Không chỉ một mình Tiến sỹ Phan Quốc Việt bận rộn với lịch công việc kín mít của mình. Từ miền Bắc, miền Trung cho đến miền Nam, những diễn giả (còn rất trẻ) đang đi lại như con thoi. Những khóa đào tạo kỹ năng về mọi lĩnh vực trong cuộc sống, từ kinh doanh, bán hàng, làm lãnh đạo cho đến chuyện yêu đương hò hẹn được tổ chức ở khắp mọi nơi.
Theo tìm hiểu của NAM, hiện nay ở TP. HCM, khoảng trên dưới 10 diễn giả đã khẳng định được tên tuổi và sống được bằng nghề. Với những người có tên tuổi thì có thể một tuần chạy show đến sáu, bảy buổi, mỗi buổi trung bình từ hai đến ba tiếng đồng hồ. Và không chỉ diễn thuyết tại TP. HCM, các diễn giả còn “chạy show” ở các tỉnh như Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, và cả Hà Nội. Tại Hà Nội, số diễn giả tương đương với ở thành phố Hồ Chí Minh, song không khí có vẻ trầm lắng hơn do các diễn giả Hà Nội ít chiêu thức PR quảng cáo hơn.
Thu nhập của các diễn giả tùy thuộc vào tên tuổi. Cát - sê một buổi nói chuyện của họ dao động ở mức khá rộng từ 500 ngàn đến trên 10 triệu cho một lần diễn thuyết. Giá tiền còn tùy thuộc vào độ dài và độ phức tạp của chương trình hay khóa học. Nếu chỉ diễn thuyết suông thì sẽ rẻ hơn, giá sẽ đắt hơn nếu như lồng ghép vào đó là các chương trình đào tạo kỹ năng. Người tham gia khóa học phải trả một khoản phí. Khoản phí tổn này xê dịch trong phạm vi khá rộng. Ví dụ: Năm mươi ngàn đồng cho một buổi nói chuyện (đăng ký tự do) hai tiếng rưỡi về chủ đề: “Hóa giải lời nguyền định mệnh, tự tái sinh xuất sắc giàu sang” của Tiến sỹ Phan Quốc Việt; Mười triệu đồng cho một khóa học bốn ngày có tên “Hẹn hò với số mệnh” của diễn giả Trần Đức Minh tại một khu du lịch (đăng ký sớm được giảm giá hẳn một nửa); Bốn trăm ngàn đồng cho khóa học kéo dài một ngày có tên “Công thức thành công tuyệt đỉnh” của diễn giả trẻ Trần Đăng Khoa kéo dài từ sáng đến chiều.
Nghề diễn giả xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam từ khi nào? Theo tìm hiểu của NAM, khó có thể đưa ra một thời điểm cố định. Trong khi Tiến sỹ Phan Quốc Việt cho rằng cách đây 20 năm mình là người khởi xướng nghề này từ khi chưa ai thực sự bắt đầu một cách chuyên nghiệp, thì tại thành phố Hồ Chí Minh, cụm từ “diễn giả” bắt đầu được phổ biến cách đây khoảng sáu năm. Khó để nói ai là người bắt đầu, có lẽ vì lý do nghề
nghiệp (diễn giả phải tự quảng bá), nên nhiều diễn giả tự nhận mình là số một, là đầu tiên.
Tuy nhiên, còn một cách lý giải khác: Nghề diễn giả manh nha xuất hiện tại Việt Nam cùng với sự xuất hiện rầm rộ của những cuốn sách dạy bí quyết kinh doanh thành công và phát triển kỹ năng sống. Nhiều diễn giả Việt Nam đang sử dụng lại những nội dung của các bộ sách công cụ như vậy, hoặc chia sẻ những bí quyết họ học được từ các khóa học diễn thuyết trong và ngoài nước.
Một số diễn giả nổi tiếng trên thế giới được nhiều diễn giả Việt Nam học hỏi là Adam Khoo (tác giả cuốn Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế), tác giả - diễn giả Dale Canergie (tác giả cuốn Đắc nhân tâm), diễn giả Zig Ziglar (tác giả cuốn Hẹn bạn trên đỉnh thành công, Nghệ thuật bán hàng đỉnh cao…). Các diễn giả Việt Nam cũng góp phần giới thiệu các cuốn sách bí quyết thành công nổi tiếng ở Việt Nam, chẳng hạn như diễn giả Trần Đăng Khoa là dịch giả của cuốn Làm chủ tư duy, thay đổi vận mệnh của Adam Khoo và nhiều cuốn khác.
Các diễn giả học nghề diễn thuyết qua nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh những khóa huấn luyện kỹ năng làm diễn giả trong nước và nước ngoài, Tiến sỹ Phan Quốc Việt cho biết anh học hỏi từ sách vở, từ những người “nói hay” như NSND Phạm Thị Thành, Giáo sư Phạm Phổ, Phạm Chi Lan, Tôn Nữ Thị Ninh, Lê Đăng Doanh... Anh cũng tham gia những buổi nói chuyện của những diễn giả nổi tiếng Việt Nam như Quách Tuấn Khanh, Nguyễn Duy Cương, Trần Đức Minh, học hỏi các diễn giả nổi tiếng thế giới như Tony Buzan (tác giả Sách dạy đọc nhanh, Bản đồ tư duy), Anthony Robbins (tác giả cuốn Đánh thức người khổng lồ trong bạn)… Diễn giả Trần Đăng Khoa trên trang web của mình nói rằng ,sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore, anh đã tự đầu tư hàng chục nghìn đô la cho việc mua sách tự học và tham gia vào những khóa đào tạo ngắn hạn về phát triển bản thân, đầu tư, kinh doanh, quản trị, lãnh đạo, tiếp thị, bán hàng…
“Trên thế giới, những diễn giả nổi tiếng đều có cuộc đời “lên bờ xuống ruộng” (trải qua nhiều thăng trầm - PV). Chỉ học qua sách vở thì khó hay lắm. Diễn giả giỏi là phải biết đúc rút từ trải nghiệm thực tế, từ văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới. Công thức “kiềng ba chân” cho diễn giả là: Kinh nghiệm của mình + Trải nghiệm của người nghe + Sách vở hàn lâm. Đa số diễn giả Việt Nam hiện nay chỉ biết “bê nguyên” của người khác.” – Tiến sỹ Phan Quốc Việt bày tỏ.
Chuyên gia huấn luyện cấp cao Bùi Trọng Giao nói về danh xưng “Diễn giả”
Bùi Trọng Giao đang điều hành hai công ty về đào tạo là Change My Life và Nguồn Sống Trẻ. Anh đã từng trải qua nhiều lĩnh vực hoạt động thú vị: Hội viên Hội Luật gia Việt Nam; Báo cáo viên pháp luật; Trưởng phòng Pháp chế và Luật sư; Điều tra viên Phòng án Khu Trung ương; Chủ hai vũ trường; Chủ cơ sở sản xuất gạch bông Đà Nẵng; Trưởng phòng cung ứng nhân sự tàu Star Cruise; Trưởng Ban kinh doanh công ty Bảo hiểm Prudential; Giám đốc huấn luyện Tập đoàn Enchoice Hoa Kỳ; Giám đốc kinh doanh công ty VASC VNPT. Anh Giao nói: “Bản thân tôi và một số ít người khác không định vị mình là diễn giả. Diễn giả là một phần nhỏ trong công việc của chúng tôi đang làm đó là huấn luyện cấp cao và chức danh của tôi là chuyên gia huấn luyện cấp cao.
Trong công việc khi có chia sẻ kiến thức này nọ thì gọi là diễn giả. Diễn thuyết là một trong những phương pháp tôi huấn luyện. Diễn thuyết ở đây là hùng biện, tức là biện luận chặt chẽ và tạo được cảm hứng cho người nghe và đồng thời định hướng được cho người nghe để người nghe hành động có chủ đích. Ngoài diễn thuyết ra tôi còn sử dụng các phương pháp như case study (nghiên cứu từng trường hợp cụ thể có thật), tác động vào tâm thức, các trò chơi đội nhóm…
Từ diễn giả chúng ta nghe có vẻ sang, chứ thực ra nó là cái từ rỗng tuếch, diễn giả chỉ là một người nói bình thường thôi. Một vài diễn giả hiện nay dạy làm giàu nhưng họ còn đang phải vất vả kiếm tiền.”
Diễn giả Trần Đăng Triều nói về tiềm năng phát triển nghề diễn giả
Diễn giả Trần Đăng Triều học Đại học Hàng hải, anh chia sẻ nghề diễn giả đến với anh khá tình cờ qua cuốn sách của Adam Khoo - “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Anh chính là em trai của diễn giả Trần Đăng Khoa khá nổi tiếng hiện nay. Anh tham gia vào quá trình đào tạo cho học viên mọi lứa tuổi trong các khóa học Thiếu Niên Siêu Đẳng, Tôi Tài Giỏi! Teen và Tôi Tài Giỏi! Thanh Niên của Công ty TGM Corporation do Trần Đăng Khoa sáng lập.
Anh Triều cho rằng: “Tiềm năng phát triển của nghề này hiện nay đang rất lớn. Trong vài năm trở lại đây có một số doanh nghiệp và cá nhân diễn giả họ đánh bóng tên tuổi một cách quá mức, dẫn tới những cái mộng tưởng ảo, tạo ra những hình ảnh rất là bóng bảy và thực sự không còn thực tế. Quay trở lại thực tế thì tôi thấy đây là công việc rất là thời đại, đem đến giá trị cho rất nhiều người, khả năng phát triển rất cao tùy thuộc vào người diễn giả có cái tâm với cái nghề này hay không. Nhu cầu hiện nay của thị trường rất là lớn, hiện nay các bạn trẻ họ đã tiếp cận thông tin qua rất nhiều kênh. Nó cũng có mặt tốt và không tốt, mặt không tốt tức là các bạn bị rối thông tin, họ không biết phải đi đâu, ảnh hưởng đến cả lý tưởng và phong cách sống. Bản thân họ cũng không biết bước qua nó như thế nào. Nên công việc của mình hiện nay là gỡ rối cho các bạn, định hướng và truyền cảm hứng cho các bạn”.
Diễn giả Phan Quốc Việt nói về vị trí của nghề diễn giả trong xã hội
Tiến sỹ Phan Quốc Việt nổi tiếng với biệt danh “Người nói không qua loa” (có thể diễn thuyết trước cả ngàn người mà không cần micro) và lời phát biểu “Giá như đừng học toán…”. Anh sáng lập Tâm Việt Group từ năm 2001, gồm nhiều công ty, trung tâm đào tạo và câu lạc bộ nhỏ hơn hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo phát triển kỹ năng sống tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, và cả Bình Dương. Anh từng nhận bằng Tiến sỹ Toán - Lý tại Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp (Liên bang Nga), trải qua nhiều công việc: chuyên viên nghiên cứu dầu khí, Giám đốc marketing của FPT, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên doanh PetroVietnam Tower, Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội. Anh còn cộng tác với nhiều báo, đài khác nhau, lập ra các chuyên mục bàn về kinh doanh, lãnh đạo và nhân tài.
Tiến sỹ Phan Quốc Việt chia sẻ: “Tại sao người Việt Nam rất giỏi nhưng lại hay thiệt thòi?
Nhiều người có ý tưởng tốt nhưng không được công nhận, đó là bởi vì họ không biết cách thuyết trình để thuyết phục người khác. Nước mình họp hành rất nhiều, người nói cứ nói, người nghe cũng tham gia nói, lãng phí thời gian quá lớn. Tôi đã từng làm Chánh văn phòng cho Petro Việt Nam, tôi đi họp nhiều thì thấy rằng khả năng thuyết phục đám đông là rất quan trọng. Và với cả chính mình, việc tự thuyết phục mình cũng rất cần. Vậy nên tôi bỏ hết đi theo nghề này. Lúc tôi làm vẫn chưa có ai bắt đầu…
Diễn giả là khích lệ, động viên, gây ảnh hưởng, để mọi người biến đổi tích cực hơn, công việc này khác hẳn với công việc của giảng viên là trình bày, giải thích quy trình. Ở Việt Nam, bác sỹ giỏi, kỹ sư giỏi có hàng trăm người, trong khi số lượng diễn giả còn rất ít. Ở Mỹ, những diễn giả có sức ảnh hưởng rất ghê gớm. Đã làm lãnh đạo là phải gây ảnh hưởng, và kỹ năng diễn thuyết là một kỹ năng gây ảnh hưởng quan trọng. Lãnh đạo phải biết diễn thuyết. Trong khi đó, ở Việt Nam lãnh đạo rất ít người biết làm diễn giả...”.