1001 kiểu kiểu nịnh sếp
Chủ nhật, 28/10/2012, 20:31 GMT+7
Nhờ có Trang "hộ giá", sếp thoát nạn bị vợ bắt tại trận đang hú hí với bồ. Biết ơn Trang, bao giờ ông cũng ưu ái cô hơn những người khác.
Có thể bạn vẫn bắt gặp đâu đó trong các công sở những nhân viên, năng lực thuộc dạng… “tầm tầm” nhưng lại rất được sếp yêu quý, cất nhắc. Lý do là họ biết làm đẹp lòng sếp bởi những chiêu mà người ta vẫn ví là “gãi đúng chỗ ngứa” của sếp.
Cứu sếp khỏi "nanh vuốt" của... vợ
Vốn có quen biết với Thoa, cô bồ trẻ của sếp nên Trang (làm việc trong một ngân hàng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tận dụng triệt để lợi thế này để tiếp cận sếp.
Trước mặt nhân viên, sếp thét ra lửa nhưng khi đứng trước cô bồ thì lại mềm như nước. Chỉ cần Thoa nũng nịu ngồi vào lòng và thủ thỉ nhỏ to là sếp như “phải bả”, chuyện gì cũng đều gật đầu hết.
Biết vậy nên Trang tìm cách kết thân với Thoa. Trang có người nhà đang làm việc ở Hàn Quốc nên nhờ mua mỹ phẩm bên đó về, lúc thì tặng, lúc bảo dùng không hợp rồi đưa cho Thoa. Nhiều lần Trang còn đưa cho sếp cả bộ mỹ phẩm có giá gần chục triệu đồng để làm quà sinh nhật cho bồ trong khi sếp đang lúng túng không biết tặng gì. Nhưng tình huống quyết định để Trang ghi điểm tuyệt đối với sếp là lần “hộ giá”, giúp sếp không bị vợ bắt quả tang đi với bồ.
Lần ấy Trang đi ăn cùng bạn, vô tình nhìn thấy sếp và bồ cũng đang tình tứ “bón” cho nhau ở đó. Bàn Trang ngồi gần cửa. Đang ăn, cô bỗng giật mình khi thấy vợ sếp chuẩn bị bước vào quán. Ngay lập tức, Trang kéo anh bạn mình sang bàn ngồi cùng sếp, còn mình thì kéo cô bồ đi nhanh sang góc khác. Sếp rất biết ơn Trang bởi pha xử lý nhanh trí đó. Vì hôm ấy, sếp lỡ gọi điện cho vợ là bận họp về muộn, nếu bà lại bắt được ông đang “họp” cùng một cô chân dài trong quán ăn thì không biết mọi chuyện sẽ ra sao.
Từ đó, so với các trưởng phòng khác của ngân hàng, Trang bao giờ cũng được sếp ưu ái hơn dù không ít người thắc mắc bởi cả năng lực và hình thức của cô đều chỉ vào loại trung bình.
Khổ nhục kế
Kiên vào công ty sau nhiều người nhưng lại rất nhanh chóng “hợp cạ” và nhận được sự cất nhắc của sếp. Không những sếp trưởng mà đến cả hai sếp phó cũng bị anh “bỏ bùa”. Trong công việc, Kiên bao giờ cũng được giao những dự án “ngon ăn” hơn. Ngay cả khi có sếp mới, mọi người trong cơ quan chắc mẩm phen này Kiên hết thời hoàng kim rồi. Nhưng ngược với dự đoán của họ, sếp mới cũng tin tưởng, ưu ái Kiên chẳng kém gì sếp cũ. Ai cũng thắc mắc chẳng hiểu anh ta có bùa ngải gì mà “mị” sếp tài thế.
Thực ra bí quyết của Kiên chỉ là “biết người biết ta”, nắm đúng tâm lý của sếp để lựa theo mà thôi. Tuy nhiên, để làm được việc này, theo tâm sự của chính anh chàng, là cũng phải có một chút “năng khiếu”.
Sếp có tính dễ cảm động, thế là Kiên dùng chiêu mà những người biết chuyện vẫn gọi mỉa là “khổ nhục kế”, thường xuyên đến nhà chơi, hễ nhà sếp có công to việc lớn gì cũng có mặt giúp đỡ nhiệt tình. Có lần bố sếp ốm phải vào nằm viện điều trị nửa tháng, Kiên cũng “xin” được vào trực đêm, chăm sóc, coi bố sếp như… bố mình. Rồi khi có cơ hội ngồi với sếp là Kiên kể lể hoàn cảnh khó khăn: con nhỏ, vợ đang thất nghiệp không có việc làm. Thấy cậu nhân viên vừa nhiệt tình, chu đáo lại vừa “thành thật”, tự nhiên sếp thấy quý mến, nghĩ rằng dành cho anh ta những dự án bỏ công ít mà tiền thu về nhiều cũng là “hợp lý hợp tình”, coi như giúp đỡ nhân viên bớt khó khăn.
Mang cả vợ đi nịnh sếp
Là lái xe riêng cho thủ trưởng một cơ quan nhà nước, luôn sát cánh bên ông trong “từng bước đi” nên Vũ (nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) luôn là người được sếp tin tưởng và ưu ái. Được như vậy cũng nhờ Vũ có “bí quyết” lấy lòng sếp vì ông nổi tiếng là một người khó tính. Trước Vũ, ông đã thay đến ba “đời” lái xe, người làm lâu nhất là 5 tháng, người ngắn chỉ chưa đầy một tháng đã bị thay. Còn Vũ chỉ với phương châm “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” mà trở thành “cánh tay phải” của sếp, khó ai thay thế. Đến mức khi sếp chuyển công tác lên vị trí cao hơn, ông vẫn xin cho Vũ đi cùng.
Biết sếp là người ưa sạch sẽ nên Vũ lúc nào cũng giữ chiếc xe sạch bóng để mỗi lần lên xe đi công việc, ông đều có cảm giác thật hài lòng. Chỉ riêng việc đơn giản đó nhưng mấy người lái xe trước chẳng ai để ý làm được như Vũ. Sếp bị bệnh gout, phải kiêng các món ăn giàu đạm nên cứ vào cuối tuần, Vũ mang đến biếu sếp nào cá rô đồng, nào các loại măng, rau thật tươi…, bảo là ở quê mang lên nhưng chủ yếu là mua ngoài chợ. Một số món ăn đặc sản, có khi Vũ còn bảo vợ chế biến thơm ngon rồi mới đem sang biếu khiến ngay cả vợ sếp cũng phải cảm động vì sự tỉ mỉ, chu đáo ấy.
Khi sếp xây nhà mới, Vũ còn “tổng động viên” cả vợ sang trông coi, quán xuyến giúp. Từ hôm đào móng đến lúc đổ mái, vợ Vũ đều đôn đáo chạy ngược chạy xuôi lo mọi việc. Và để đáp lại sự nhiệt tình đó, khi cơ quan có đợt xét cấp đất cho cán bộ, dù Vũ vẫn còn thiếu một số tiêu chí nhưng sếp vẫn vui vẻ ký cho một suất ở vị trí khá đẹp.
Nếu được sếp “thương” thì đương nhiên sẽ có lợi thế hơn những người khác, vì điều này mà không ít nhân viên vẫn luôn tìm mọi cách để lấy lòng sếp. Tuy nhiên nhiều người không chịu được lối “đi đường vòng” như vậy, nhất là người có năng lực thực sự. Anh Phan Hoàng Giang, kỹ sư công nghệ thông tin của một công ty phần mềm (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, trước đây anh làm việc tại một viện nghiên cứu. Ở đó, mặc dù giỏi chuyên môn nhưng Giang vẫn không được cấp trên đánh giá cao bằng một số người khác tuy kém năng lực nhưng lại giỏi lấy lòng.
Sau mấy năm, dù đã vào biên chế nhưng Giang vẫn xin thôi việc. Giang cho biết, công việc hiện nay của anh rất tốt khi sếp luôn đánh giá khách quan dựa trên hiệu quả công việc của từng nhân viên.
Ông Nguyễn Tiến Đức, giám đốc một doanh nghiệp có trụ sở làm việc tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội, cũng thừa nhận rằng, đúng là nhiều khi các sếp dễ có cảm tình và “mềm lòng” hơn đối với những nhân viên khéo léo, luôn biết đón ý mình trong mọi việc. Không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng họ không có lúc giải quyết công việc bằng tình cảm. Tuy nhiên, một người quản lý tốt sẽ luôn cố gắng hạn chế sự cảm tính này để đánh giá nhân viên bằng năng lực, dựa trên hiệu quả công việc: “Một nhân viên làm thì dở ẹc mà suốt ngày chỉ lo đi bợ đỡ, xun xoe cấp trên thì một ông sếp nghiêm túc, coi trọng công việc sẽ gạt anh ta ra khỏi danh sách xem xét ngay”.
Tin liên quan
Theo Báo đất việt